Tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng chính sách liên quan đến người lao động
30/08/2023 08:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 29/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, đánh giá cao Ủy ban Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, hai bên cần bám sát nội dung Chương trình hợp tác, yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm chủ động triển khai thực hiện; tăng cường trao đổi các kết quả nghiên cứu trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kết hợp nghiên cứu, triển khai thẩm tra, giám sát và phản biện chính sách, đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực để đáp ứng tốt nhất tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đoàn viên công đoàn, phù hợp với bối cảnh đất nước trong giai đoạn mới. Trước mắt, hai bên phối hợp chặt chẽ trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn - khung pháp lý quan trọng để Công đoàn thực hiện tốt vai trò, chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sự phối hợp giữa Ủy ban Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan thông qua việc trao đổi, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động chung, phát huy sự tham gia, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn, tăng tính phản biện khoa học về chính sách, pháp luật trong bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên Công đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả trong xây dựng, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật.
Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm kế thừa, phát huy truyền thống hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa hai cơ quan, đồng thời, tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giữa hai bên trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Ủy ban xã hội của Quốc hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Theo Chương trình, hai cơ quan phối hợp rà soát, xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); phối hợp nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm và tham gia ý kiến về việc xây dựng văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động và Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, giám sát, tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động về chính sách, pháp luật và các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực lao động, Công đoàn để kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin đến Ủy ban Xã hội.
Đồng thời, hai cơ quan cung cấp cho mỗi bên thông tin, kết quả giám sát chính sách, pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội và các vấn đề thuộc lĩnh vực an sinh xã hội.
Hai cơ quan kịp thời cung cấp thông tin, tham vấn ý kiến lẫn nhau khi thẩm tra, xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, khủng hoảng kinh tế…
Theo TTXVN
Thứ bảy, ngày 18/01/2025