Ngành BHXH Việt Nam: Xúc động nhiều hoạt động nhớ về cội nguồn
08/07/2023 06:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), trong hai ngày 7-8/7, Đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến về nguồn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng trị. Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; cùng đại diện BHXH các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Sáng 7/7, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong trên cả nước đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Tổng Giám đốc và đoàn kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Với vị trí yết hầu, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên các hành lang giao thông nối liền Bắc-Nam, Đông-Tây, là điểm trung chuyển cho các chiến trường hai miền Nam-Bắc và chiến trường Lào. Chiến trường Đồng Lộc những năm 1964-1972 đã ghi dấu sự hy sinh cao cả của quân và dân ta. Đặc biệt, Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh dâng hương viếng các anh hùng Liệt sĩ.
Từ đó, địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bất tử đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến viếng và dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; nhà quân sự, vị tướng nổi danh trong lịch sử thế giới.
Trong không khí trang nghiêm, Tổng Giám đốc đã đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm, bày tỏ lòng thành kính trước anh linh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Tổng Giám đốc cùng toàn Ngành BHXH Việt Nam hứa sẽ luôn học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang - di sản vô giá của các bậc tiền bối và các thế hệ cha anh; ra sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh; giúp cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao, vững vàng an sinh xã hội đất nước.
Đoàn công tác tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tiếp nối chuyến đi, ngày 8/7, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (trên địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và và nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 ( Thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là là nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ trong cả nước, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phần lớn là các liệt sĩ tại nghĩa trang này là con em của các tỉnh thành phía bắc.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của gần 11.000 các Anh hùng, liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng, liệt sĩ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Đoàn dâng hương tại nghĩa trang Liệt sĩ, nơi các chiến sĩ anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Cũng tại Quảng trị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Thành cổ Quảng Trị, di tích nổi tiếng và được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tại đây, Tổng Giám đốc và đoàn công tác thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè năm 1972 (từ ngày 28/6-16/9/1972), Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hàng nghìn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Thành cổ Quảng Trị, để non sông đất nước được độc lập thống nhất, nhân dân được tự do, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng.
Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm, Đoàn công tác đã thăm quan khu di tích và những dấu ấn lịch sử đặc biệt tại Thành cổ. Nơi đây như tái hiện những thước phim bi tráng về những chiến tích, những người anh hùng, những câu chuyện, câu thơ xúc động về sự hi sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân trên tuyến lửa Quảng Trị nhiều năm về trước, như những câu thơ bi tráng của cựu chiến binh Phạm Đình Lân trong một lần trở lại thăm đồng đội trên chiến trường xưa, được tạc trên một hòn đá lớn: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi, cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió, ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng…”.
PV