An sinh xã hội là điểm sáng nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng
26/06/2023 01:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá "an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội... Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm".
Có thể khẳng định, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách an sinh- lấy con người làm trung tâm, đã được Đảng ta chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Theo đó, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, nhằm bảo đảm nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân; cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho NLĐ tại các KCN; khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII
Bên cạnh đó, lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm; các chính sách xã hội đã được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, các biện pháp hỗ trợ DN, NLĐ, người dân ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, theo Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương và các địa phương đã dành 71.482 tỷ đồng để hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người SDLĐ, hơn 42,8 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác. Nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NĐ-CP. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP là hơn 33.564 tỷ đồng, đã hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng...
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ đó, khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm được bổ sung để đãi ngộ người có công với cách mạng và thân nhân. Cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng (khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành; theo đó gần 393.707 hộ gia đình có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại Hải Dương
Năm 2022 có nhiều biến động, khó khăn, nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT đã đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, cả nước có 17,5 triệu người tham gia BHXH (chiếm 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 14,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp (chiếm 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi); khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT (chiếm 92,04% dân số).
Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH cũng đã hỗ trợ gần 105 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu lượt người dân, NLĐ và 1,4 triệu người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội...
NHNN Việt Nam đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, số hộ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% với 2.393.332 hộ, giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ (cuối năm 2021). Số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS giảm hơn 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%...
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ đạo tiếp tục các giải pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ mất việc làm và DN gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững…
PV