Quốc hội tiếp học Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
20/06/2023 09:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thứ hai, ngày 19/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 (ngày họp đầu tiên của Đợt 2) của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tại phiên thảo luận đã có 28 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, trong đó đa số ý kiến đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, những quy định chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc đợt 2 kỳ họp thứ 5. Ảnh: Quochoi
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: về phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở; kế hoạch phát triển nhà ở; chính sách, yêu cầu chung về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; công nhận quyền sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; yêu cầu về phát triển nhà của các thành viên, hộ gia đình và cá nhân; nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; quy định quyền, nghĩa vụ, điều kiện, số lượng loại nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển và quản lý nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước xây dựng; quy định cá nhân có đủ điều kiện mua nhà ở; đối tượng, điều kiện thuê, cho thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng để bán, cho thuê mua; phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; quản lý, sử dụng, cải tạo, xây dựng nhà chung cư; vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư cũ; thời hạn của nhà ở đối với nhà chung cư; đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở; trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Nội dung 1, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Kết quả như sau: Có 478 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 473 đại biểu tán thành (bằng 95.75% tổng số đại biểu Quốc hội), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0.61% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.40% tổng số đại biểu Quốc hội).
Toàn cảnh phiên họp.
Nội dung 2, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Kết quả như sau: Có 476 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 459 đại biểu tán thành (bằng 92.91% tổng số đại biểu Quốc hội), có 10 đại biểu không tán thành (bằng 2.02% tổng số đại biểu Quốc hội), có 7 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.42% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 3, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Thứ ba, ngày 20/6/2023: Sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
PV