Đổi mới cơ chế, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực cấp cơ sở
30/05/2023 10:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, chiều 29/5.
Chú trọng đầu tư cho trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội.
Đề cập đến đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, đây là lực lượng rất cần cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với y tế cơ sở và nhất là các tỉnh miền núi, có bản cách xa trạm y tế xã đến 30-40 cây số. Việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong bản trông cậy vào y tế bản. Trong thời gian qua đội ngũ này đã giảm rõ rệt. Khi tìm hiểu thì có rất nhiều lý do như công việc vất vả, trong khi thu nhập thì không đáng kể.
Qua đợt giám sát này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ Y tế đánh giá và rà soát lại để tham mưu có những chế độ phù hợp để giữ chân đội ngũ này, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần đổi mới cơ chế, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực cấp cơ sở. Ảnh: BYT
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, thời gian tới, việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống y tế xã, phường, thị trấn cần phù hợp với quy mô dân số, điều kiện về kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân khu vực thành thị nông thôn là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng quan điểm, đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) cho biết, đến nay cơ sở vật chất của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi còn khó khăn, rất khó để thu hút nhân lực chất lượng cao…
Do đó, đại biểu đề nghị và ủng hộ việc dự thảo Nghị quyết giám sát đã tiếp tục các chương trình đào tạo cử tuyển dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, duy trì tiêm chủng mở rộng quốc gia và quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho y tế cơ sở, nhất là y tế xã và nhân viên y tế thôn, bản để người đồng bào dân tộc thiểu số của người dân ở vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng đầu tư cho lĩnh vực y tế cơ sở không thể cào bằng, mà tập trung đầu tư cho trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; đối với trạm y tế ở thành phố lớn có thể nghiên cứu không duy trì mô hình này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về chủ trương luân chuyển bác sỹ trẻ mới ra trường về công tác tại trạm y tế xã. Đại biểu cho hay, tại trạm y tế không có trang thiết bị xét nghiệm, máy móc để chẩn đoán. Hơn nữa, thu nhập khó khăn, bác sĩ trẻ vẫn phải tự thân vận động để tăng thêm thu nhập, làm thêm ngành khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có đề án luân chuyển bác sĩ có kinh nghiệm về trạm y tế xã trong thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra, trong thời gian vừa qua, tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên kéo dài, đến thời điểm hiện nay ngành y tế cũng chưa có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Hệ thống y tế cơ sở được bố trí rộng khắp nhưng lại không đủ điều kiện để triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh nhân từ các tỉnh đổ về các thành phố lớn để được chăm sóc sức khỏe, để được thăm khám và điều trị. Trong khi đó, hệ thống các bệnh viện ở cơ sở thì lại không có đủ nguồn thu, không có đủ nguồn lực để đảm bảo cho các hoạt động của mình. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế công lập sẽ giúp tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực cho cơ sở y tế cấp cơ sở và y tế dự phòng, góp phần tăng cường năng lực khám, chữa bệnh và năng lực làm công tác dự phòng của các cơ sở này.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần phải có giải pháp sớm đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế công lập.
Phát biểu giải trình nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.
Để giải quyết tổng thế vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần đặt việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 19, đồng thời cũng theo đúng định hướng, yêu cầu của Nghị quyết 20 là tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.
Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, chiều ngày 29/5. Ảnh: TH.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới, hoặc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này, xem xét kỹ lưỡng mô hình tổ chức để đảm bảo các yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, pháp lý cũng như thực tiễn, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân./.
PV