WHO thay đổi khuyến nghị đối với vaccine COVID-19
29/03/2023 08:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổ chức Y tế Thế (WHO) đã thay đổi các khuyến nghị đối với vaccine COVID-19, đề xuất những người có nguy cơ cao nên tiêm một liều bổ sung sau 12 tháng kể từ lần tiêm nhắc lại gần nhất.
Theo hãng tin Reuters (Anh), WHO đã xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi, cũng như những người trẻ tuổi có các yếu tố rủi ro đáng kể khác. Đối với nhóm này, cơ quan này khuyến nghị tiêm bổ sung vaccine sau 6 hoặc 12 tháng kể từ lần tiêm gần nhất, dựa trên các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Bên cạnh đó, WHO cũng xác định trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là là nhóm “ưu tiên thấp” và kêu gọi các quốc gia xem xét các yếu tố, như gánh nặng bệnh tật, trước khi khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm này.
Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đáng áp dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với vaccine COVID-19 cho người dân. Một số quốc gia có thu nhập cao, chẳng hạn Vương quốc Anh và Canada, đã cung cấp mũi vaccine tăng cường cho những người có nguy cơ cao vào mùa xuân này, 6 tháng sau mũi gần nhất.
Nhóm người lớn tuổi nên tiêm bổ sung vaccine sau 6 hoặc 12 tháng kể từ lần tiêm gần nhất là khuyến nghị mới của WHO. Ảnh: Reuters
Theo WHO, khuyến nghị của tổ chức này nên được coi là lựa chọn cho một nhóm nhỏ những người có nguy cơ đặc biệt, song các khuyến nghị này nhằm mục đích hướng dẫn tiêm chủng tốt nhất trên toàn cầu.
Ủy ban chuyên gia của WHO đã nói rằng mũi vaccine COVID-19 tăng cường - gồm hai mũi bắt buộc và một mũi bổ sung - không còn được khuyến nghị thường xuyên cho những người “có nguy cơ trung bình”.
Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Á đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng lên hơn 12.000 người trong ngày 28/3. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh trong bối cảnh nước này nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 để trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Cụ thể, theo KDCA, số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc là 12.129 ca, trong đó có 14 trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 30.785.589 ca. Con số này tăng so với 4.204 ca của ngày 27/3 và cũng tăng nhẹ so với 12.013 trường hợp được ghi nhận một tuần trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong mới do COVID-19 trong cùng ngày là 8 ca, nâng tổng số người tử vong lên 34.231 người, trong khi số bệnh nhân nặng nguy kịch lên tới 151 người, so với 153 người của ngày hôm trước.
Ngày 25/3, Bộ Y tế Ấn Độ cũng thông báo nước này đã ghi nhận 1.590 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc cao nhất được ghi nhận theo ngày trong gần 5 tháng qua. Cũng theo bộ trên, 6 trường hợp mới tử vong do COVID-19 đã được báo cáo trong ngày 25/3, nâng tổng số người tử vong vì dịch bệnh này ở Ấn Độ lên 530.824 người.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/3, Trung Quốc đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA đầu tiên do nước này tự phát triển. Vaccine trên do công ty dược phẩm CSPC Pharmaceutical của Trung Quốc phát triển. Vaccine công nghệ mRNA được đánh giá là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất trong việc giảm số ca mắc và số ca tử vong vì COVID-19. Khác với các loại vaccine truyền thống sử dụng virus đã bị làm yếu hoặc bất hoạt, vaccine công nghệ mRNA “dạy” các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể con người. Đối với COVID-19, vaccine này chỉ dẫn các tế bào sản sinh ra một protein gai trên virus gây bệnh này. Sau đó, hệ miễn dịch trong cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại protein gai đó, nhờ đó, hệ miễn dịch được chuẩn bị để sẵn sàng chống lại khi virus thực sự xâm nhập cơ thể.
Nhu cầu về vaccine COVID-19 đã giảm mạnh trong năm nay do lượng tồn kho trên khắp thế giới tăng lên và khả năng miễn dịch của người dân cũng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng cao và nhiều người có miễn dịch sau khi mắc bệnh trước đó. Cách đây 3 năm WHO chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 3 năm, những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiệu quả của các loại vaccine. Và thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.
PV