“Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên”
30/11/2022 08:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 29/11, tại Hà Nội Diễn đàn quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên” đã khai mạc với sự tham gia của Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chủ nhà Việt Nam.
Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể của chủ nhà Việt Nam tại Diễn đàn.
Diễn đàn tập trung chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước trên nhiều lĩnh vực, chính sách dành cho các đối tượng thanh niên, việc bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; đánh giá tình hình, dự báo tác động ảnh hưởng đến thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước. Từ đó, các đại biểu tại Diễn đàn đã cùng đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên gắn với tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đại diện một số quốc gia tham dự Diễn đàn.
Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn
Ngày nay, phát triển thanh niên đã trở thành vấn đề lớn của mỗi quốc gia. Với nhiều mức độ khác nhau, Chính phủ các nước đều có những chủ trương, chính sách riêng về bồi dưỡng, đào tạo và phát huy thanh niên, tăng cường sự tham gia của thanh niên vào tiến trình phát triển xã hội. Nhiều quốc gia đã ban hành Luật Thanh niên cũng như nhiều chiến lược, chính sách nhằm tăng cường phát triển thanh niên.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm, tại Việt Nam, thanh niên là đối tượng từ 16-30 tuổi, chiếm 22,5% dân số. Chính sách phát triển thanh niên Việt Nam hiện được triển khai theo lĩnh vực, đối tượng khác nhau.
Cụ thể, gồm các chính sách về lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó là những chính sách về các đối tượng thanh niên xung phong, tình nguyện, có tài năng, người dân tộc thiểu số, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm chia sẻ ý kiến trong khuôn khổ Diễn đàn.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Quyên dẫn kết quả Điều tra lao động-việc làm quý III năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết: Hiện, cả nước có gần 52 triệu lao động, trong đó thanh niên từ 15-24 tuổi là hơn 5 triệu, chiếm gần 10% lao động cả nước.
Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn nhưng cả nước vẫn có tới 1,6 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và cũng không tham gia học tập, đào tạo (tăng hơn 136 nghìn trường hợp so quý II/2022 và giảm hơn 731 nghìn trường hợp so cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị (14,2% so 10,8%) và ở giới tính nữ cũng cao hơn nam.
“Thực tế, hệ thống chính sách việc làm đã tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên còn hạn chế; chất lượng công tác dự báo cung cầu lao động còn hạn chế, chưa thể làm cơ sở cho kế hoạch hóa giáo dục-đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường”, bà Nguyễn Thị Quyên nói.
Trước tình hình trên, Cục Việc làm hiện đang tập trung triển khai hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong đó, nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về hỗ trợ việc làm cho đối tượng lao động là thanh niên, sinh viên, học sinh; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng lao động là thanh niên, nhất là thanh niên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Coi trọng thanh niên tài năng, bảo đảm bình đẳng giới
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu từ các nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hiệu quả về xây dựng, triển khai chính sách liên quan đến thanh niên. Bà Pan Meng, Đại học Nghiên cứu chính trị thanh niên Trung Quốc cho biết: các tổ chức thanh niên và chính quyền các cấp tại Trung Quốc luôn tận dụng tối đa lợi thế nội tại để đào tạo thanh niên tài năng.
Kế hoạch Phát triển thanh niên trung và dài hạn (2016-2025) với vai trò kế hoạch phát triển thanh niên đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được công bố vào năm 2017, đã chỉ ra phương hướng cụ thể để bồi dưỡng thanh niên tài năng thông qua các chương trình đồng hành, hỗ trợ cùng việc khuyến khích thanh niên tài năng tham gia vào các công việc quan trọng.
Cũng theo bà Pan Meng, năm 2022, tại một cuộc họp chung, 17 cơ quan của Trung Quốc đã thống nhất thực hiện Dự án thí điểm “Xây dựng thành phố phát triển thanh niên”, tập trung vào tối ưu hóa môi trường quy hoạch phục vụ ưu tiên phát triển thanh niên, cải thiện môi trường việc làm và hỗ trợ nhu cầu sống của thanh niên như nhà ở, nuôi dạy con cái.
Bà Phan Thu Hiền, đại điện Tổ chức Plan International Việt Nam, giới thiệu các mô hình đã phối hợp Trung ương Đoàn triển khai hiệu quả tại Việt Nam.
Trao đổi tại Diễn đàn, bà Phan Thu Hiền, đại điện Tổ chức Plan International Việt Nam, cho biết, Plan International Việt Nam và Trung ương Đoàn đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm thúc đẩy quyền thanh niên, quyền trẻ em theo giai đoạn 2021-2026, tiêu biểu như: “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới”, “Em gái sẵn sàng cho tương lai”...
Một điểm nhấn trong các hoạt động của Plan International Việt Nam những năm gần đây là mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Giai đoạn 2013-2016, mô hình đã được thí điểm tại 20 trường, sau đó được sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội công nhận, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhân rộng ra 1.500 trường trên địa bàn Thủ đô.
Từ tháng 8/2018, mô hình đã được tiếp tục lan tỏa tại các địa phương vùng sâu, vùng xa tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.
Tới tháng 6/2022, đã có tổng cộng gần 110 nghìn học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và tiểu học, hơn 8.500 giáo viên và hơn 153 nghìn phụ huynh được thụ hưởng các thành quả từ mô hình. Theo đó, các em gái vị thành niên được bảo vệ tốt hơn, cảm thấy được tôn trọng và an toàn hơn trong trường học.
PV (Theo Báo Nhân dân)