Chính phủ cần bổ sung các giải pháp để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT
12/10/2022 10:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, từ tháng 7-9/2022, tỷ lệ người tham gia BHYT không tăng nhiều… nên Chính phủ cần có giải pháp để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT 92% dân số năm 2022.
Báo cáo của Chính phủ thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 nhấn mạnh, việc kiểm soát được dịch Covid-19 là nền tảng quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ngày càng nặng nề hơn. Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6- 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Điển hình như còn 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao. Xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài; nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; nhiều công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục thôi việc hoặc bỏ việc gây lo ngại trong dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác KCB. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị chú trọng một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung là kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. “Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều nơi. Coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững”- báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các đánh giá đã trình Uỷ ban TVQH. Liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội bày tỏ phấn khởi khi thực hiện được 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc điều hành thực hiện các chỉ tiêu và nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp. Tuy nhiên, chỉ tiêu về BHYT là 92% nhưng đến nay mới đạt được 88%. Để thực hiện được 4% còn lại cần nỗ lực rất lớn do đó Chính phủ cần bổ sung các giải pháp để thực hiện được chỉ tiêu này. “Trên thực tế, từ tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022, tỷ lệ người tham gia BHYT không tăng nhiều, đây là một thách thức trong việc thực hiện chỉ tiêu về BHYT. Đối với các chỉ tiêu ngành, trong lĩnh vực lao động xã hội, 16/16 chỉ tiêu ngành lao động đều hoàn thành; 3/3 chỉ tiêu của ngành y tế đều hoàn thành”- bà Thúy Anh đề nghị.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban TVQH cơ bản nhất trí với báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra và ý kiến các thành viên Ủy ban. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội chưa cao; thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ có hiệu quả như công tác lập, triển khai quy hoạch chậm, thiếu hụt lao động cục bộ, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác. Nguy cơ thiếu nhân lực tại các cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc, vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm.
Chính vì vậy, Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác, có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quan tâm đến y tế, văn hóa, giáo dục, đảm bảo ASXH. Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đánh giá lại một số chính sách cho phù hợp với tình hình mới, ứng phó kịp thời với dịch bệnh, tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh. Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội. “Ủy ban TVQH đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề, lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công”- Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
V.Thu
PV