Quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật tham gia BHXH, BHYT
08/09/2022 02:42 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.
Hiện nay, cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động là người khuyết tật (năm 2021).
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Trong số 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động.
Riêng tại Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho hay, dạy nghề cho người khuyết tật không đơn giản là từ 3 đến 6 tháng, mà có khi phải lên tới 5 năm. Đơn vị phải mời chuyên gia hỗ trợ dạy nghề, kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường hòa nhập giữa những người khuyết tật, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phù hợp sức khỏe, trình độ, văn hóa, nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để giải quyết được nhiều việc làm cho người khuyết tật, ông Cường cho rằng, rất cần tạo điều kiện cho chính người khuyết tật được khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển; có chính sách hỗ trợ phù hợp tạo điều kiện cho DN của người khuyết tật được hỗ trợ về thuế, chậm nộp BHXH, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp dễ dàng hơn, quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho DN sử dụng lao động là người khuyết tật...
Bà Đinh Thị Quỳnh Nga- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái Tim Hồng ccho rằng “rào cản” đối với cơ hội việc làm, an sinh xã hội của người khuyết tật chẳng hạn như: Chất lượng nguồn nhân lực là người khuyết tật rất hạn chế; những khâu sản xuất cần trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động (để hưởng lương cao) thì người khuyết tật không làm được. Bên cạnh đó, cũng do những khiếm khuyết của cơ thể, sức khỏe hạn chế, nên năng suất, chất lượng lao động của người khuyết tật không cao dẫn đến thu nhập của người khuyết tật thấp không đủ điều kiện để tham gia BHXH.
Bà Quỳnh Nga đề nghị các ngành chức năng tham mưu với Đảng, nhà nước có chính sách đặc thù về thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người thu nhập thấp, trong đó có người khuyết tật, thu nhập dưới mức lương tối thiểu vùng, để họ có đủ điều kiện tham gia BHXH, đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi, hợp pháp, chính đáng của NLĐ, của chủ DN đang SDLĐ hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, Sáng lập viên, Giám đốc Cty TNHH Vì người khiếm thính Việt Nam-bà Chử Thanh Hương chia sẻ, các DN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng do không tìm ra ứng viên đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là phần lớn người khuyết tật có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của DN...
Ngoài ra, việc học tập và đào tạo kỹ năng của người khuyết tật ở Việt Nam còn nhiều mặt chưa tốt chưa đồng bộ, chưa có nhiều dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật bao trùm về mặt việc làm sinh kế. Bà Hương cho rằng, người khuyết tật cần rất nhiều sự hỗ trợ, tập huấn, dịch vụ hỗ trợ hòa nhập, đào tạo hướng nghiệp và đào tạo các kỹ năng công việc để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ các DN.
Còn bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam cho rằng, hiện nay còn nhiều khoảng trống về chính sách đối với người lao động là người khuyết tật, DN do người khuyết tật thành lập, DN có SDLĐ là người khuyết tật. “Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là người khuyết tật ngày càng tốt hơn, đơn cử như chính sách ưu đãi về đóng BHXH tự nguyện cho người khuyết tật, giảm thời gian đóng BHXH đối với người khuyết tật, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật..."- bà Đinh Thị Thụy cho biết.
PV