Cụm số 5 (BHXH Việt Nam): Cần linh hoạt, sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022
19/08/2022 09:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 19/8/2022, tại tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn công tác số 3 của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH các tỉnh trong cụm số 5 gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu; công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác khám chữa bệnh BHYT.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn trực thuộc BHXH Việt Nam gồm: Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Vụ Thanh tra, Kiểm tra; Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến, Trung tâm Truyền thông.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì buổi làm việc
Không ít khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH các tỉnh trong cụm số 5 đã báo cáo khái quát về những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm 2022; đồng thời tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt những khó khăn trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Ông Phạm Quốc Thái - Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình cho biết, về BHYT, tổng dân số của tỉnh là 1.873.890 người và số người hiện đã được cấp thẻ BHYT là 1.627.448 người. Số người được tỉnh ngoài cấp thẻ BHYT là 199.107 người. Như vậy, tổng số người chưa có thẻ BHYT của tỉnh là 47.335 người; học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT là 649 người. Về BHXH bắt buộc, Thái Bình hiện có 221.159 người tham gia và để đạt chỉ tiêu cần phát triển 17.610 người. BHXH tự nguyện, tỉnh hiện 47.247 người tham gia, số còn phải phát triển trong năm 2022 là 6.824 người. “BHXH tỉnh Thái Bình sẽ cố gắng hết sức hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện; chỉ tiêu BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, chỉ tiêu về BHYT rất khó để hoàn thành; số thu BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh sẽ cố gắng đạt 95- 97% kế hoạch” - ông Thái chia sẻ.
Theo đánh giá, dù tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2020- 2025, cũng như có một số dự án vốn đầu tư nước ngoài về may mặc đi vào hoạt động giúp tăng lao động tham gia BHXH bắt buộc trong các năm 2020-2022. Song, số tăng này phần lớn do dịch chuyển lao động từ đơn vị này sang đơn vị khác. Năm 2022, các nhà máy may và Công ty Formosa liên tục tuyển dụng lao động nhưng không thu hút được lao động (giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh tăng được 4.600 lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong đó lao động tăng từ các nhà máy này 3.700 người, từ các đơn vị khác là 900 người). Thế nhưng, năm 2022 chỉ tiêu BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh được giao là 7.391 người và trong 7 tháng mới chỉ phát triển được 1.691 người; còn cần thực hiện phát triển 5.700 người, đây là nhiệm vụ rất khó.
Giám đốc BHXH các tỉnh trong Cụm báo cáo tại buổi làm việc
Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, cùng với việc giảm số người tham gia BHYT thì công tác thu nợ của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Dù cơ quan BHXH đã thông tin những đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện truyền thông; phát động đợt thi đua cao điểm về thu BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác cụ thể đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để áp dụng các biện pháp thích hợp từ vận động, thuyết phục, mời các đơn vị đến để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, cam kết trả nợ, thanh tra đột xuất, củng cố hồ sơ chuyển Công an đề nghị điều tra. Tuy vậy, đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh vẫn còn 160 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN. Trong 7 tháng, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn cũng giảm so với cuối năm 2021 (BHXH tự nguyện giảm 1.133 người và BHYT giảm 8.986 người). Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của người dân; 120.000 người ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn không còn được hỗ trợ tham gia BHYT.
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định cũng chia sẻ, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn không có khả năng nộp BHXH hoặc phải chậm nộp BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, xây dựng, kinh doanh vận tải... Đồng thời, dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp còn nhiều sai sót, chưa cập nhật kịp thời. Nhiều đơn vị thuộc diện có đăng ký kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động… Vì vậy, dù cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ phát triển BHXH, BH thất nghiệp song để hoàn thành kế hoạch thì trong 5 tháng cuối năm, BHXH tỉnh còn phải phát triển 20.555 người tham gia BHXH bắt buộc; 14.959 người tham gia BHXH tự nguyện; 21.207 người tham gia BH thất nghiệp…
Cần linh hoạt, sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thu, phát triển người tham gia, khám chữa bệnh BHYT tại các địa phương với những số liệu, so sánh trên toàn quốc; đồng thời cũng có những giải đáp, hướng dẫn địa phương về các lĩnh vực này.
Liên quan đến công tác thu, phát triển BHXH, BHYT, BHTN, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ cho biết, dữ liệu cơ quan thuế chuyển sang BHXH thường chậm do Thuế đang trong giai đoạn nâng cấp phần mềm, đồng thời cơ quan Thuế quyết toán theo năm nên cũng có đỗ trễ lớn. Do đó, các địa phương phải chủ động, tăng cường hơn trong công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa 2 cơ quan, để có được dữ liệu sớm nhất, phục vụ việc rà soát, vận động người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần chủ động và linh hoạt hơn cũng như quan tâm đến công tác tham mưu để chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho các quận, huyện; có thêm các chính sách riêng hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT. BHXH các tỉnh cũng cần đẩy mạnh, phân công cán bộ rà soát tình hình tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn; đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Hào cũng khẳng định công tác thanh tra mang lại hiệu quả tốt, tất cả các đơn vị sau thanh tra ban hành quyết định xử phạt hành chính thì tỷ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN đạt gần 80%. Do đó, công tác này cần được đặc biệt quan tâm...
Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến của BHXH các địa phương cũng như đại diện các Ban, Vụ của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong cụm đã thực hiện tương đối tốt các chỉ tiêu được giao trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, BHXH các tỉnh còn không ít khó khăn, cần quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt hơn nữa. Về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu các tỉnh chưa thành lập, kiện toàn được Ban chỉ đạo theo Quyết định mới nhất của BHXH Việt Nam thì khẩn trương tham mưu, thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương. Phân tích, đánh giá nguyên nhân giảm sâu của nhóm đối tượng BHYT hộ gia đình và nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đưa ra các giải pháp phù hợp. Với những địa phương, người tham gia BHYT giảm do Quyết định 861, BHXH tỉnh cần phối hợp khảo sát, đánh giá để có cơ sở đề xuất cơ chế hỗ trợ; nắm rõ đối tượng sẽ có giải pháp kiến nghị chính quyền địa phương. “Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn cần kiểm lại tất cả chỉ tiêu. Những địa phương tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần báo cáo UBND tỉnh tổ chức hội nghị đôn đốc” - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng với đó, Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu BHXH các tỉnh tăng cường thanh kiểm tra để nắm được các đơn vị, số lao động bởi hiện số doanh nghiệp tăng, số lao động có việc làm tăng sau dịch nhưng số người tham gia BHXH chưa tăng tương xứng, thấp chí giảm. Rà soát, đánh giá việc tổ chức các điểm tổ chức dịch vụ thu tại cấp xã; thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của các điểm thu. Về chia sẻ dữ liệu thuế, tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện các đối tượng thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia.
Về công tác khám chữa bệnh BHYT, tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động khám chữa BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT./.
PV