Phát triển an sinh xã hội là một trong những giải pháp chủ chốt giải quyết vấn đề lao động trẻ em
21/06/2022 03:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những ý kiến được các chuyên gia thống nhất tại Hội thảo Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm ASXH trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng của LHQ (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức vừa qua.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương. “Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai”- bà Hà nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo (nguồn: Internet)
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động khẩn cấp đươc triển khai nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch Covid-19 thông qua đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp. “Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7 - quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8.7”- bà Hà khẳng định.
Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động trẻ em. Cụ thể là do hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương; nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình nên một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản. Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em DTTS, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; tăng cường các chính sách ASXH, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên…
Đồng tình quan điểm trên, bà Ingrid Christensen- Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội. Mọi nỗ lực để lao động trẻ em trở thành một cấu phần không thể thiếu trong các chương trình, hoạt động của các bên liên quan. Đặc biệt, để đảm bảo các hộ gia đình giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động Covid-19 dẫn đến gia tăng lao động trẻ em, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ, nhất là tại các vùng nông thôn cần được ưu tiên; cần tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển sinh kế và an sinh xã hội là những giải pháp chủ chốt.
Tham gia Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các kết quả và thông điệp của Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xoá bỏ lao động trẻ em và Lời kêu gọi hành động Durban về xoá bỏ lao động trẻ em; cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong và lộ trình thực hiện SDG 8.7. Đồng thời cũng thảo luận và khuyến nghị về đảm bảo việc làm thoả đáng cho mọi người; chấm dứt lao động trẻ em trong nông nghiệp; tăng cường phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em; đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em; đảm bảo an sinh xã hội toàn dân; tăng cường tài trợ và hợp tác quốc tế để xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…
PV