Công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020

18/03/2021 08:26 AM


Ngày 17/3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020). Ảnh: VGP

Kết quả nổi bật

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp báo, cùng với sự tham gia của các thành viên, các Ban công tác của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, lãnh đạo các đơn vị thuộc VPCP, đại diện các bộ ngành, địa phương, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), các chuyên gia và các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: (i) Đầu tư; (ii) Giao dịch thương mại qua biên giới; (iii) Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; (iv) Môi trường; (v) Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (vi) Đất đai; (vii) Xây dựng; (viii) Thuế và (ix) Kiểm tra chuyên ngành.

Báo cáo cho thấy, đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm thủ tục hành chính thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá ở mức cao nhất, tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Để thực hiện các thủ tục hành chính trong nhóm này, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/thủ tục hành chính. Đây là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức phí tuân thủ thấp. 

Thái Bình có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính thuế với trung bình là 0,9 giờ. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có điểm số tốt nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm và thời gian thực hiện ngắn nhất là 1,9 giờ, trong khi Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số thấp nhất khi doanh nghiệp trung bình phải bỏ ra 9,5 giờ, tương đương với hơn một ngày làm việc, để hoàn thành một thủ tục hành chính thuế.

Sự cải thiện của nhóm thuế là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Thời gian thực hiện thủ tục giảm 19% và chi phí trực tiếp giảm tới 79%, kéo tổng chi phí cho việc thực hiện một thủ tục hành chính giảm 66% so với năm 2019. Thành công đó có được nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Hầu hết các trường hợp thực hiện nhóm thủ tục hành chính thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp (do không phát sinh nghĩa vụ về phí/lệ phí với các thủ tục hành chính). Chi phí trực tiếp trên thực tế chỉ phát sinh ở một số trường hợp đặc biệt như thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp (có doanh nghiệp cho biết chi phí xin sao kê, đóng bộ hồ sơ hết 2 triệu đồng). Đặc biệt, 100% doanh nghiệp được khảo sát đều khẳng định, họ không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm này có thể còn tiếp tục được duy trì nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.

Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm thủ tục hành chính môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy, sự cải thiện của nhóm này chưa phải thực chất. Trong hai năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá, “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa", từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Phương thức này yêu cầu đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng của công tác đánh giá tác động môi trường, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy, sự cải thiện này không phải thực chất. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, gánh nặng đối với doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể.

Ngược lại với các nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là năm nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù nhóm thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác, nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.

4 bài học cải cách từ APCI 2020

Phát biểu tại buổi công bố, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra 4 bài học cải cách từ APCI 2020. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy, những nhóm thủ tục được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm và những nhóm có điểm APCI cao, có tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp, cũng như giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó. Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.

Bài học thứ hai được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lên là phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức, để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”.

Bài học thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm thủ tục hành chính như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép”, mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực, cũng như thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình.

Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy, doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt. Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các thủ tục hành chính đó. Để cải thiện điều này, song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan và cán bộ nhà nước, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp của cán bộ trong bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.

Khuyến nghị cải cách để giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

 

Nhiều khuyến nghị cải cách từ APCI 2020 đã được đưa ra, trong đó, vấn đề đầu tiên được đề cập đến là đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường phương thức giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp qua môi trường mạng trên nền tảng các hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ, liên thông.

Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm các thủ tục hành chính, lĩnh vực, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để doanh nghiệp có được đầu mối tìm kiếm và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mà không lo ngại về khoảng cách địa lý hay dịch bệnh. Trong thời gian tới, Chính phủ nên tập trung áp dụng các thủ tục hành chính điện tử đối với các thủ tục đơn giản, có số lượng người thực hiện đông, tần suất thực hiện nhiều, ví dụ như thủ tục cấp lý lịch tư pháp để đủ điều kiện thực hiện các thủ tục hành chính khác trong hoạt động kinh doanh. Chính phủ cần có quy định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; xây dựng cơ chế phản hồi sớm cho doanh nghiệp về khả năng vi phạm các quy định pháp luật, thay vì kiểm tra, thanh tra mang tính truy cứu về hành vi.

Đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực và thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, giao cơ quan đầu mối về cải cách thủ tục hành chính tổ chức hoạt động trọng tâm về hướng dẫn và đào tạo lại đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận/tư vấn/giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành phối hợp với địa phương định kỳ hàng tháng, quý tổ chức các chương trình hội thảo, lớp tập huấn nội bộ để phổ biến và làm rõ các quy định liên quan tới thủ tục hành chính (bao gồm nội dung, lý do cần thiết, ý nghĩa của thủ tục hành chính mới, các vấn đề về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục và các hướng dẫn áp dụng, các chế tài liên quan...), kết hợp với việc rà soát và tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng thủ tục mới hoặc bãi bỏ thủ tục hiện hành, trọng tâm hướng vào đội ngũ cán bộ thực thi thủ tục hành chính để cập nhật thông tin và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục. Đồng thời, có chế tài quyết liệt và rõ ràng hơn đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ giải quyết thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

APCI 2020 nêu lên yêu cầu về đổi mới phương thức và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối với việc công bố, công khai và giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, thông tin hướng dẫn về quy trình thực hiện thủ tục cần được sơ đồ hóa các bước theo hướng đơn giản, dễ hiểu, thống nhất giữa các địa phương và công bố cho người dân thông qua website của cơ quan thực hiện. Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không đúng thời gian như quy định cần có nhật ký giải trình và được ghi lại để hình thành bộ dữ liệu liên quan, phục vụ giải đáp công khai trên website cho người dân/doanh nghiệp tìm hiểu, rút kinh nghiệm khi thực hiện các thủ tục. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chỉ số và thước đo tích hợp trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phản ánh tương tác thực tế của người dân và doanh nghiệp với các thông tin được công khai, nhằm cải thiện liên tục hiệu quả quá trình này.

Song song với nỗ lực trên, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng các xu hướng cải cách có thể mang lại sự đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công như: cơ chế bảo lãnh (cơ chế bảo lãnh thông quan đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg) để huy động khu vực tư nhân vào cuộc, san sẻ một phần trách nhiệm cùng các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện các nỗ lực cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân; cơ chế xã hội hóa dịch vụ công - một cơ chế đã được áp dụng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế hay công chứng tư nhân với các lựa chọn khác nhau về thời gian, mức phí cho người dân, doanh nghiệp./.

PV (T/h)