Từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách trợ giúp xã hội
26/02/2021 10:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, có nhiều điểm mới so với Nghị định 136/2013 về chính sách này. Cụ thể từ ngày 1/7/2021, sẽ điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng (quy định trước đây là 270.000 đồng), mở rộng 3 nhóm đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội với 120.000 người. Những sự điều chỉnh này nhằm khắc phục một số phát sinh, tồn tại cũng như nâng cao diện bao phủ của chính sách trong toàn xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống pháp luật về trợ giúp xã hội hiện nay có nhiều vấn đề cần điều chỉnh do sự phát triển và phân hóa của các tầng lớp trong xã hội những năm gần đây. Thêm vào đó, nhiều chính sách khác về trợ cấp đã được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của đất nước, vì vậy, chính sách về trợ giúp xã hội cũng cần được nghiên cứu và sửa đổi, nhằm bảo đảm tính công bằng.
Cụ thể là chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Đối chiếu từ thực tiễn có thể thấy, trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Giai đoạn 2013 - 2019, tiền lương và trợ cấp người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, trong khi đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội không được điều chỉnh tăng.
Cũng xét trong giai đoạn 2013 - 2019, năm 2007, mức lương cơ sở là 450 nghìn đồng (Nghị định số 94/2006/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (120 nghìn đồng) bằng 26,6%; năm 2010, mức lương cơ sở là 730 nghìn đồng (Nghị định số 28/2010/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (180 nghìn đồng) bằng 24,6%; năm 2013, mức lương cơ sở là 1.150 nghìn đồng (Nghị định số 66/2013/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (270 nghìn đồng) bằng 23,47%. Năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490 nghìn đồng (Nghị định số 70/2018/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội bằng 18,12%.
Hình minh hoạ (nguồn: Internet)
Như vậy, có thể thấy, mức chuẩn trợ cấp xã hội so với tiền lương cơ sở có xu hướng giảm dần từ 26,6% năm 2007 giảm xuống còn 18,12% năm 2019 (giảm gần 1/3). Vì vậy, hiệu quả chính sách chưa cao, chưa hỗ trợ được nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội, cần điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.
Ngoài ra, chính sách trợ cấp thường xuyên đối với người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, BHXH vẫn chưa có sự phân biệt giữa người nghèo và người có mức sống cao, khá giả. Thêm vào đó, tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của cả nước, điều kiện kinh tế cũng khó khăn hơn… nhưng cũng không có sự phân biệt nào trong hưởng trợ cấp.
Cùng những điểm chưa phù hợp trong chính sách thì mức độ bao phủ chính sách vẫn còn thấp, đặc biệt là đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày (bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh…). Đây là những bộ phận dân cư khó khăn và là những người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo nhưng cũng chưa được thụ hưởng nguồn trợ cấp từ Chính phủ.
Trên những cơ sở thực tiễn đó, dự thảo Nghị định được sửa theo hướng tăng trợ cấp xã hội mức chuẩn là 360.000 đồng/tháng (quy định trước đây là 270.000 đồng). Với 3,13 triệu đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay, số tiền trợ cấp sẽ tăng 5.200 tỷ đồng/năm so với tổng số trợ cấp phí năm 2020 là 17.563 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta cũng như phù hợp với nguyên lý phát triển tất yếu của một quốc gia, hướng tới sự công bằng trong xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp nhằm nâng cao tính công bằng trong xã hội là một nội dung lớn trong dự thảo. Từ thực tiễn, dự thảo cũng mở rộng 3 nhóm đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội với 120.000 người. Trong đó, có trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo sống tại xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã khó khăn; người nhiễm HIV, người mắc bệnh mạn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng nâng mức hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn mà mất nhà ở, nhà sập, trôi, cháy…
Để giải thích cho việc trình Chính phủ mở rộng 3 nhóm đối tượng này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhận định rằng, việc thực hiện chính sách thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đến người dân sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, cũng là nhóm người nghèo, khó khăn nhất trong xã hội. Song song với đó, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai, tăng cường chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…
Theo Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người cần sự trợ giúp xã hội trên cả nước rất lớn, trong đó có hơn 11,7 triệu người cao tuổi, trên 9 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng, 6,4 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, năm 2021, Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản của các nhóm yếu thế, của người dân và cộng đồng khi gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người dân sống ở vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng bị tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
PV