BHXH tự nguyện: 13 năm một chặng đường là “của để dành” cho người dân
05/02/2021 06:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.
Chính sách vì cuộc sống của người dân
BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT; không vì lợi nhuận, không bao giờ bị vỡ quỹ và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, hơn 10 năm qua, việc thực hiện BHXH tự nguyện được tiến hành theo hai giai đoạn với những quy định khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, thực hiện BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo là thực hiện theo quy định tại Luật BHXH Sửa đổi năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13). Những quy định tại Luật BHXH Sửa đổi về BHXH tự nguyện là sự tổng kết kinh nghiệm 07 năm thực hiện Luật BHXH, trên cơ sở đó có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.
Bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 80 Luật BHXH 2014, được cấp thẻ BHYT trong thời gian nhận lương hưu. Về trợ cấp mai táng, người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu khi chết thì người lo mai táng sẽ nhận được một khoản trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người theo quy định trên chết. Về trợ cấp tuất, người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi bao phủ BHXH nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi NLĐ và người dân. Do đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Song dự kiến đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2%. Cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra.
Đó là việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% đến năm 2021; 45% đến năm 2025; 60% đến năm 2030); và số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu, với tỷ lệ đề ra là 45% đến năm 2021; 55% đến năm 2025 và 60% đến năm 2030. Trong đó, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.
Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuyên truyền BHXH tự nguyện đến người dân (nguồn: Internet)
Phát triển, hoàn thiện theo từng thời kỳ
Sau 11 năm triển khai, từng bị "hờ hững”, từng đã rất khó khăn để thuyết phục người dân tiếp nhận, nhưng từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng thực hiện “BHXH toàn dân”, chính sách này đã bứt phá ngoạn mục. Tính riêng năm 2020 (năm được đánh giá là cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất của nhiều thập kỷ gần đây, tạo bước thụt lùi trong phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia), số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Trong đó, số người tham gia tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó...
Cụ thể, trong vòng 10 năm đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt khoảng 280 nghìn người tham gia. Nhưng trong năm 2019, quá trình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện tới nay đã đạt tới 580 nghìn. Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ trong một năm triển khai, số lượng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã bằng 1,07 lần của cả giai đoạn 10 năm.
Năm 2020 - trong bối cảnh đầy khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam khi cuộc khủng hoảng vì Covid-19 vẫn diễn ra trên toàn cầu, ngành BHXH lại tiếp tục gặt hái thành công lớn trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước đạt 1,068 triệu người, tăng 494 nghìn người so với năm trước, bằng tổng số người vận động được của 11 năm trước đó.
Ước tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt chỉ tiêu Đảng và Chính phủ giao (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1%). So với năm 2015 (có 218 nghìn người tham gia) là tăng 850 nghìn người (gấp gần 05 lần).
Có thể nói, thành công của ngành BHXH Việt Nam trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện đặt trong bối cảnh nhiều khó khăn “khủng hoảng toàn cầu” 2020 có một ý nghĩa đặc biệt. Với số DN phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, giải thể tăng cao, việc phát triển nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định của Luật BHXH cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, việc tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của người dân, vào mong muốn của nhóm lao động yếu thế (thu nhập thấp, không ổn định, làm việc tại khu vực phi chính thức...) được gia nhập vào hệ thống an sinh xã hội nhân văn này. Tuy nhiên, có lẽ càng trong khó khăn, càng nhìn rõ nguy cơ đe dọa tương lai của mình, họ càng nhận thức sâu sắc hơn việc cần có một điểm tựa an toàn, và lựa chọn chính sách BHXH là lựa chọn tối ưu và an toàn nhất.
Toàn ngành nỗ lực phục vụ nhân dân
Nhận xét về thành quả của hoạt động phát triển BHXH tự nguyện của ngành BHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết: Nhìn tổng thể, các chính sách xã hội của chúng ta trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc. Đáng chú ý, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như thiên tai bão lũ, song với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt trên 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có gần 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, nhìn lại kết quả năm qua, có thể thấy toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên nhiều phương diện. Trong đó, nhiều kết quả đã tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vị thế ngành BHXH Việt Nam trong nước và quốc tế… Những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đạt được một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn thể CCVC và NLĐ trong toàn hệ thống.
Đánh giá cao về những kết quả của ngành BHXH Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: trong 25 năm qua, với trọng trách được Quốc hội, Chính phủ giao, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh cho người dân, đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
“Kết quả nổi bật là số người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT không ngừng tăng nhanh. Bình quân mỗi năm có hàng chục triệu người hưởng chế độ BHXH, việc chi trả chế độ BHXH, BHYT đã được thực hiện kịp thời, phương thức chi trả được đổi mới theo hướng phục vụ, bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân” Bà Nguyệt nhấn mạnh.
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến bà con dân tộc thiểu số (nguồn: Internet)
Bên cạnh những thành quả ấn tượng đạt được trong những năm qua, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:
Thứ nhất, không ít lao động khu vực phi chính thức, nông dân chưa có thói quen tham gia BHXH để chủ động lo cho tuổi già. Để giải quyết khó khăn này, một mặt cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết chủ động lo cho tuổi già đặc biệt trong bối cảnh xu hướng già hóa của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới vào thời gian tới. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam nghiên cứu cách thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện linh hoạt hơn.
Thứ hai, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của doanh nghiệp dẫn đến việc tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh hàng loạt chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp thì ngành BHXH cũng cần tăng cường kiểm tra để xử lý điểm một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, thậm chí cố tình chiếm dụng phần tiền đóng BHXH của người lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra đến năm 2021 phải đạt 35% số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam cần tập trung một số việc:
Phối hợp với ngành thuế để rà soát các đối tượng có phát sinh thuế nhưng chưa tham gia BHXH, con số này theo báo cáo của BHXH Việt Nam khoảng hơn 3 triệu người;
Phối hợp với Tổng công ty bưu điện và các tổ chức khác tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện;
Ngành BHXH Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ BHXH để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là: thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cần chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong việc triển khai thực hiện thành công Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Thông qua đó, chú trọng công tác tuyên truyền, làm sao để nhân dân nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng, tính thiết yếu của chính sách BHXH đối với chính cuộc sống của mỗi người. BHXH Việt Nam cũng cần nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH; qua đó thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Cuối cùng Ngành BHXH cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành vững về chuyên môn nghiệp vụ, làm việc với tinh thần chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo…
PV