Năm 2021: 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 185 nhiệm vụ cụ thể
28/12/2020 02:33 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm tới là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề ra 8 trọng tâm năm 2021.
Ban hành văn bản triển khai Nghị quyết 01 trước 20/1/2021
Trình bày tại Hội nghị Chính phủ với địa phương về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán NSNN năm 2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm tới là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Đó là, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, DN; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển mạnh hạ tầng số; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn....
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra của năm 2021, dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể. Dự thảo Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải cụ thể hoá Nghị quyết bằng các chương trình hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện. Trước ngày 20/1/2021, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, ban hành các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết 02 năm 2021: 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh
Báo cáo tóm lược Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các Nghị quyết 19/CP và sau này là Nghị quyết 02/CP của Chính phủ đã góp phần hoàn thiện thêm một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tháo gỡ được nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc cho DN và người dân. Phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ 1 năm hoặc 2 năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ rõ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam. Trực tiếp nhất là thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39. Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020. Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Bên cạnh những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đó, vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: Giải quyết phá sản DN đứng thứ 122. Rào cản phi thuế quan đứng thứ 121. Bảo vệ hệ sinh thái bền vững đứng thứ 110. Đăng ký tài sản thứ 106. Bảo vệ sở hữu trí tuệ thứ 105… "Thực tế những năm qua cho thấy bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn và ngược lại. Tới đây, việc cải thiện vị trí càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nên kinh tế khác cũng rất chú trọng công tác này", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý. Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện động bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác. Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng (A3); Đăng ký tài sản (A7); Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9); Giải quyết phá sản DN (A10); Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3); Ứng dụng CNTT (B5); Chất lượng đào tạo nghề (B6).
Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: chất lượng hành chính đất đai, chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, rào cản phi thuế quan, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tiếp cận CNTT, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường trong bền vững sinh thái./.
PV