Cổng Dịch vụ công quốc gia: Xây dựng nền hành chính hiện đại, vì lợi ích nhân dân
07/12/2020 02:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong thời gian qua, Chính phủ quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại thông qua phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, xã hội số để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) là một nhiệm vụ lớn và là giải pháp hiệu quả.
“Quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử”
Tháng 7/2017, một câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận xảy ra tại TP. Hà Nội, khi một người dân phản ánh sự phiền hà khi đi làm giấy khai tử cho bố tại UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa). Vụ việc sau đó được xử lý theo các quy định của pháp luật, nhưng nhìn rộng hơn, nó cũng phản ánh nhu cầu bức thiết: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công ở các cấp chính quyền, nhất là làm thủ tục trực tuyến để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". Từ đó, các bộ, cơ quan của Chính phủ và địa phương đã lấy mục tiêu đó để chuyển hướng quản lý hành chính, vừa bảo đảm quản lý theo quy định pháp luật, vừa bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tinh thần "không bàn lùi" được Chính phủ nhấn mạnh, quyết tâm trên nhiều lĩnh vực ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có không bàn lùi về xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn mà không triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử”.
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu nhấn nút khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia, ngày 9/12/2019. Ảnh: VGP
Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000, tuy nhiên kết quả đạt được còn khiêm tốn. Theo xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6/11 khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng yêu cầu, cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm, phải báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và thậm chí xử lý trách nhiệm thì công cuộc này mới thành công.
Cụ thể hóa tinh thần này, để đẩy mạnh xây dựng Chính phủ minh bạch, liêm chính, phục vụ, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan.
Tháng 3/2019, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng DVCQG và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Từ thực tiễn cần đổi mới, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ, thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Cổng DVCQG trên Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi văn bản điện tử này thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019 đã trở thành một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành.
“Tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử”, nhấn mạnh này của Thủ tướng ngày 23/7/2019 tại Hội nghị trực tuyến UBQG về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã đốc thúc thêm tinh thần triển khai xây dựng Chính phủ điện tử để đến nay đã có những bước tiến đột phá quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước khai trương tháng 3/2019, đến nay đã gửi, nhận hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương tháng 6/2019 giúp tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm; xây dựng và vận hành Cổng DVCQG (khai trương tháng 12/2019) mỗi năm tiết kiệm khoảng 6.700 tỷ đồng và vừa mới đây, tháng 8/2020 đưa vào vận hành Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thành tựu đáng kể của cả nhiệm kỳ
Trong các hệ thống này, xây dựng Cổng DVCQG được xác định là một nhiệm vụ lớn và là giải pháp hữu hiệu trong triển khai Chính phủ điện tử, trở thành kênh giao tiếp giữa Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp mà không cần sử dụng giấy tờ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Với sự nỗ lực của VPCP, các Bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn VNPT (đơn vị xây dựng, vận hành), Cổng DVCQG là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Những kết quả đạt được từ khi khai trương và vận hành Cổng DVCQG, nhiều chuyên gia nhận định, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã thành công vượt bậc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khảo sát thực tế việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ tại địa phương.
Đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ, Chính phủ điện tử thực sự là một thành tựu đáng kể của nhiệm kỳ này của Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như sự phối hợp, dẫn dắt của VPCP. VPCP thực sự đã có một tầm nhìn xa trong chương trình nghị sự không giấy tờ, chương trình số hoá và xây dựng Chính phủ điện tử.
Cũng theo ông Ousmane Dione, khủng hoảng từ dịch bệnh COVID-19 đã cho chúng ta thấy rõ hơn việc cần thiết triển khai Chính phủ không giấy tờ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, Chính phủ điện tử và bằng số hoá thủ tục hành chính cho thấy Việt Nam dường như đã dự báo được tương lai.
Tại hội nghị giới thiệu về Cổng DVCQG tháng 7/2020 tại Huế, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie chia sẻ rất ấn tượng với tốc độ mà VPCP triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Kể từ tháng 12/2019 khi tôi được hân hạnh tham dự khai trương Cổng DVCQG đến nay số lượng dịch vụ công và số người truy cập đã tăng chóng mặt. Con số ấn tượng này cho thấy sự nhanh chóng của Chính phủ và VPCP cùng các cơ quan trong triển khai một dự án phức tạp", Đại sứ Robyn Mudie chia sẻ và cho biết Australia cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xu hướng này và giúp VPCP mở rộng các dịch vụ công được cung cấp và tăng số lượng người sử dụng cổng dịch vụ này.
Nhấn mạnh quản trị công trực tuyến và chuyển đổi số càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, dịch vụ công trực tuyến đã phát huy hiệu quả, giúp Việt Nam bảo đảm cung cấp thông suốt, liên tục các dịch vụ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bà Caitlin Wiese cho rằng việc xây dựng Cổng DVCQG là bước đi rất quan trọng để có thể xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử và quản trị điện tử tại Việt Nam. Trong vòng vài năm qua, chúng ta đã thấy được những bước tiến trong rất nhiều lĩnh vực quản trị nhà nước tại Việt Nam thông qua các Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Những bước tiến của Cổng DVCQG trong 1 năm qua, với 8 nhóm dịch vụ công được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia khi khai trương tháng 12/2019, sau một năm hoạt động, tại đây đã tích hợp, cung cấp hơn 2.500/6.798 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, trong đó có 1.297 thủ tục dành cho công dân, 1.375 thủ tục dành cho doanh nghiệp (đạt 35%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 5%).
So với tháng 3/2020, đến nay, số lượng tài khoản đăng ký tăng gấp 4,6 lần; số lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ tăng gấp 3,8 lần; số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng tăng gấp hơn 44 lần; số hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện tăng gấp hơn 8 lần.
"Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công là thành công của Chính phủ", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, xây dựng Cổng DVCQG là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước. Mục tiêu tiếp theo của Cổng DVCQG là tiếp tục đưa các dịch vụ công cấp độ 3, 4 tới người dân và doanh nghiệp thể hiện sự công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí chính thức, phi chính thức và ngăn chặn “tham nhũng vặt” theo đúng tinh thần phục vụ của Chính phủ./.
PV