Tìm giải pháp đột phá và quyết liệt hơn nữa trong phát triển đối tượng tham gia BHYT

20/11/2020 06:05 PM


Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT diễn ra chiều 20/11. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trên điểm cầu trực tuyến.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo Hội nghị.

Công tác phát triển đối tượng BHYT còn nhiều khó khăn

Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ cho biết, tính đến ngày 20/11, số người tham gia BHYT là 86,35 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT. Tỉ lệ bao phủ hiện nay thấp hơn chỉ tiêu được giao trong Quyết định 1167/QĐ-TTg là 1,5%. Theo đó, số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 90,9% là 1,7 triệu người.

Có 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg, 40 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp hơn chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg, một số tỉnh có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu giao là Bạc Liêu (thấp hơn 12,3%), Bình Thuận (thấp hơn 9,7%), Tây Ninh (thấp hơn 9,7%), Đồng Nai (thấp hơn 8,4%), Thành phố Hồ Chí Minh (thấp hơn 8%).

Về phát triển BHYT HSSV, ông Hào cho biết, tính đến nay số người tham gia BHYT ở nhóm này là 21 triệu người so với tổng 23 triệu người trong chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường dạy nghề thấp, có nơi chưa đạt được 50%.

Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện BHXH một số tỉnh, thành phố cho biết, trước tác động nặng nề của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lớn người dân “thoát nghèo”, không còn thuộc nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT nên ra khỏi hệ thống BHYT; hệ thống đại lý mỏng, kỹ năng tuyên truyền của nhiều nơi chưa đủ thuyết phục; một số cán bộ thu chưa bám sát cơ sở trường, phường, xã, thị trấn...

Quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung, tìm giải pháp đột phá và quyết liệt hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 90% dân số cả nước được Chính phủ giao.

Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Rà soát, căn cứ vào thực tế của địa bàn để có các giải pháp phù hợp; bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng hình thức hiệu quả.

Các điểm cầu 63 BHXH tỉnh, thành phố.

Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường triển khai công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan Thuế, dữ liệu từ cơ quan quản lý lao động, Kế hoạch và Đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trích Ngân sách địa phương hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua tặng thẻ BHYT cho người dân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở giáo dục vận động 100% học sinh, sinh viên, đặc biệt học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, học sinh lớp 10, sinh viên năm thứ 2 trở đi.

Phối hợp với các đại lý thu (Bưu điện, phường xã…) tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động trực tiếp, tổ chức hội nghị khách hàng… Ưu tiên tuyên truyền vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập, người lao động đang bảo lưu, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề.

Tăng cường công tác đôn đốc thu nợ tại các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả của Tổ thu nợ liên ngành, thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Kiên quyết xử lý đối với các đơn vị vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề xuất xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một số địa phương cần quan tâm hơn nữa đến nhóm NLĐ vừa tạm dừng, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đưa nhóm này vào tham gia BHYT hộ gia đình./.

PV