Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài
14/11/2020 09:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) với 450 đại biểu tham gia và tán thành. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 Chương và 74 Điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn. Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, DN, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với NLĐ; quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Internet.
Đồng thời, Luật cũng quy định các chính sách của Nhà nước về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về. NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và SDLĐ sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, Luật đã bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, DN, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ NLĐ làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
Các quyền, nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quy định rõ trong luật, như: Quyền được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến NLĐ; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong HĐLĐ, hợp đồng đào tạo nghề; hưởng tiền lương, tiền công, chế độ KCB, BHXH, BH TNLĐ, chế độ và quyền lợi khác theo HĐLĐ; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật; được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế…
Bên cạnh đó, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng nêu rõ nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với NLĐ tại nước tiếp nhận lao động; làm việc đúng nơi quy định, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người SDLĐ ở nước ngoài theo HĐLĐ; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh./.
PV