“Pháp luật BHYT của Đức và Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam”
18/10/2020 09:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là tiêu đề Hội thảo quốc tế do Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Vietnam phối hợp tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ pháp luật Việt - Đức”.
Tham dự Hội thảo có ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; TS.Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội; Đại diện một số bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Toàn cảnh Hội thảo
Chính sách nhân văn, nhân đạo sâu sắc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có CHLB Đức và Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới mục đích là tạo diễn đàn để các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, học viên, sinh viên trao đổi từ góc độ khoa học về quy định pháp luật BHYT của Đức và Việt Nam; Làm rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật BHYT nói riêng, qua đó sẽ góp phần nâng cao tri thức pháp lý về an sinh xã hội nói chung;…
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước đã có những tranh luận sát sao về những bất cập và giải pháp về chế độ BHYT tại Việt Nam hiện nay, nhằm góp ý, đề xuất cho dự thảo sửa đổi Luật BHYT sắp tới.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật So sánh, BHYT ra đời như một nhu cầu tất yếu của con người trong cuộc sống vì mục đích bảo vệ cho sức khỏe cho người dân khi gặp những rủi ro, bệnh tật. Ở Việt Nam BHYT là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia có vai trò đảm bảo thanh toán chi phí y tế trực tiếp cho người tham gia không nhằm mục đích thương mại. Định hướng BHYT toàn dân đã chính thức thực hiện từ năm 2006 và liên tục được xác định là chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta. Bên cạnh những thành công vượt bậc trong thực hiện BHYT toàn dân, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đã đề ra đến năm 2025 và 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương hệ thống văn bản pháp luật y tế ngày càng hoàn thiện về số lượng và chất lượng. Quy định về đối tượng tham gia BHYT đã bao quát khá toàn diện hướng tới bao quát toàn dân với tốc độ đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHYT vào năm 2006 là 42%, đến hết năm 2019 đã lên tới gần 89%, ước tính khoảng 85,6 triệu người. Theo đó, chế độ hưởng, quyền lợi hưởng BHYT liên tục được mở rộng, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân. Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh, thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người. Mặt khác, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính y tế ở Việt Nam, tăng thêm lợi ích cho người bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương phát biểu tại Hội thảo
Để người dân được thuận tiện trong trong việc tham gia, hưởng BHYT, BHXH Việt Nam đã thực hiện công tác cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Theo thống kê, 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH, BHYT qua mạng Internet. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm. Số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm. Việc quản lý thẻ BHYT bằng công nghệ thông tin góp phần tích hợp thông tin, giảm hiện tượng trùng thể, một người có từ 2 thẻ trở lên.
Nhìn chung, từ góc độ xã hội, BHYT là một hình thức tương trợ cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong xã hội và được xã hội hóa theo nguyên tắc “số đông bù số ít”. Theo đó, các thành viên trong xã hội đóng góp một phần thu nhập để tạo ra quỹ chung, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm chăm sóc y tế cho chính mình và cho các thành viên khác.
Cũng có mặt tại buổi hội thảo, thầy Thích Chân Quang - Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, BHYT không chỉ là một nghĩa vụ về mặt pháp luật của mỗi người dân mà còn là một nghĩa vụ về mặt đạo đức. Đó là sự đóng góp để giúp đỡ những người nghèo khó, người yếu thế trong xã hội.
Do đó, các chuyên gia tại hội thảo đều đồng ý việc hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan đến BHYT nói riêng và BHXH nói chung là nền tảng cho một nền kinh tế - xã hội bền vững, phục vụ hội nhập quốc tế.
Theo ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam: Tại Đức, BHYT là bắt buộc đối với gia đình. Ông giải thích: “Khi tôi sinh con, chỉ cần thông báo cho nhà nước để được hưởng BHYT. Bởi lẽ, việc có thêm con cái khiến gia đình có thể rơi vào cảnh nghèo khó, việc con cái được nhận BHYT mà không phải đóng phí là một trong những biện pháp giúp giảm gánh nặng tài chính trong các gia đình”.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí (Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh: “BHYT hộ gia đình là một nội dung của BHYT nói chung. Thực hiện BHYT hộ gia đình là một trong những cách thức quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. BHYT hộ gia đình là loại hình bảo hiểm mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội cũng như bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.”
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT
Các đại biểu, chuyên gia tới dự Hội thảo đã thảo luận, góp ý, phản biện nhiều nội dung như: Thực hiện Pháp luật BHYT từ góc độ nghĩa vụ công dân ở Việt Nam; Tổng quan về các cấu trúc cơ bản của BHYT theo luật định ở Đức; Chế độ hưởng BHYT trong pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức; Pháp luật về BHYT và chăm sóc y tế cơ bản đối với trẻ em, người nghèo và đối tượng trợ giúp xã hội ở Việt Nam… Từ đó, các chuyên gia đưa ra những kiến nghị, định hướng để hoàn hiện pháp luật về BHYT tại Việt Nam.
Nhìn ra thế giới, đơn cử tại Đức, mức đóng BHYT tại nước ta còn thấp, nhưng quyền lợi thì tương đối rộng. Dù vậy, trên thực tế, có một khoảng “vênh” giữa chính sách pháp luật và thực tiễn tổ chức thực hiện.
TS. BS. Đặng Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT nhận định: “BHYT tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập trên thực tế, từ góc độ ngành quản lý, chúng tôi xin nhận trách nhiệm này. Đơn cử, văn bản hướng dẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời. Tỉ lệ chưa tham ra còn hơn 10%, nhưng lại không có chế tài xử lý những trường hợp này, trong khi việc nộp BHYT là bắt buộc theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người dân đang có tư duy ngược, tức là khi ốm đau mới tham gia BHYT. Hoặc nhiều người dân không nghiêm túc trong việc đóng BHYT ví như khai giảm mức lương, trốn nộp”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHYT
Mặt khác, ông Nam cũng chỉ ra, chất lượng ở nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ chưa thực sự đáp ứng bởi con người, trang thiết bị hạn chế. Hiện tượng quá tải bệnh viện nhức nhối. Đơn cử, bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức … một ngày có thể tiếp từ 5-6 ngàn người, bởi hầu như người dân không quá tin tưởng vào các bệnh viện tuyến dưới, mà chỉ muốn lên tuyến trên để khám...
Một nhức nhối khác là trong việc thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, đến nay các nhà làm luật vẫn chưa xác định được loại hình hợp đồng, khiến quá trình giải quyết tranh chấp trở nên vòng vèo, khó khăn. Ngoài ra, có nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi như một số quy định về phương thức thanh toán, gói dịch vụ y tế cơ bản, về quản lý sử dụng quỹ, tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Các đại biểu cũng khuyến nghị, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT...
Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Tại hội thảo, rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra các ý kiến đồng tình, phản biện, góp ý, đề xuất với đại diện các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật BHYT sắp tới với mong muốn khắc phục tất cả những bất cập trong thời gian qua./.
PV