Niềm vui, chỗ dựa từ chính sách BHXH tự nguyện
28/09/2020 10:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đếm những đồng tiền được cất giữ cẩn thận đưa cho cán bộ BHXH, bác Phạm Văn Lợi (68 tuổi, tỉnh Cà Mau) cho biết, qua nghe tuyên truyền, biết được những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, ông đã quyết định tham gia cho mình và người con trai út bị bại liệt. Ông muốn BHXH tự nguyện sẽ giúp bản thân có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng trong tương lai; đặc biệt là chuẩn bị nguồn tài chính trang trải cuộc sống cho người con út.
Trường hợp của bác Lợi, chúng tôi ghi nhận trực tiếp tại cuộc tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện tại Nhà văn hóa khóm 6, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau do BHXH tỉnh phối hợp với UBND phường và khu dân cư tổ chức ngày 25/9 vừa qua. Một điều đáng chú ý nữa là bác Lợi cũng lựa chọn đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm liên tục.
Bác Phạm Văn Lợi đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện cho mình và con trai
Bác Lợi chia sẻ: “Trước đây, tôi có nghe đến BHXH tự nguyện nhưng cũng không hiểu rõ về lợi ích, quyền lợi tham gia. Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại hình bảo hiểm khác mời tham gia nên tôi khá hoang mang, không biết loại hình nào tốt, phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, qua cuộc tuyên truyền của BHXH hôm nay, tôi nhận ra BHXH tự nguyện sẽ là chỗ dựa cho mình. BHXH tự nguyện do Nhà nước tổ chức, thực hiện; linh hoạt trong đóng-hướng, có sự hỗ trợ đóng nên tôi thấy rất yên tâm, tin tưởng khi tham gia”.
Bác Lợi kể, bác và vợ làm ruộng, sinh được 4 người con. Thì nay, 3 người con đầu đã “yên bề gia thất”, có công ăn việc làm ổn định nên cha mẹ không còn phải quá lo lắng. Tuy nhiên, người con trai út bị bại liệt, nằm một chỗ vẫn là nỗi canh cánh trong lòng 2 vợ chồng già. “Trước tôi cứ nghĩ phải đi làm Nhà nước, làm công nhân mới được tham gia BHXH, mới có lương hưu khi về già. Nay biết con trai tôi được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh tôi vui lắm, bớt đi một phần lo lắng. Tôi coi đây là của đề dành cho người con út để sau này có nguồn tài chính ổn định trang trải cuộc sống, phụ giúp cũng người thân chăm sóc mình khi cha mẹ không còn” - bác Lợi tâm sự.
Cùng tin tưởng, tìm thấy chỗ dựa, niềm vui với chính sách BHXH tự nguyện, tại cuộc tuyên truyền, anh Trần Văn Lập (41 tuổi) đã quyết định tham gia cho mình và vợ. Anh bật mí, cuốn sổ BHXH tự nguyện, anh sẽ giữ bí mật đợi đến ngày sinh nhật của vợ mới nói như một món quà đặc biệt.
Cuộc tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện ở Nhà văn hoá khóm 6, TP. Cà Mau
Anh Lập làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, đã nghe nói đến chính sách BHXH tự nguyện nhưng trước giờ không hiểu rõ nên cũng không mấy quan tâm. Được mời đến nghe tuyên truyền, nhân lúc rảnh việc, anh nghĩ đến xem sao. Qua nghe tư vấn, giải thích, anh hiểu về BHXH tự nguyện thêm rõ ràng, thấy được lợi ích lớn, phù hợp nên đã quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng.
“Tôi nghĩ mỗi tháng bỏ ra gần 200.000 đồng để lo cho tương lai là một “đầu tư rẻ”. Vì vậy, tôi quyết định tham gia ngay để tích lũy thời gian, sau này có điều kiện sẽ đóng ở mức cao hơn”- anh Lập chia sẻ.
Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp lựa chọn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại cuộc tuyên truyền. Bên cạnh đó, cũng không ít người cũng chuyển biến về suy nghĩ, tham gia sau, cho thấy chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân, người lao động; cũng như hiệu quả của hình thức tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân về chính sách./.
PV