Chăm lo tốt cho lao động phi chính thức để đảm bảo an sinh xã hội
27/08/2020 10:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch Covid-19. Nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lực lượng lao động này sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 15.773.928 người tham gia BHXH, bằng 32,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: BHXH bắt buộc là 15.199.985 người, bằng 31,1%; BHXH tự nguyện là 573.943 người, bằng 1,2%. Có 13.429.401 người tham gia BH thất nghiệp, bằng 27,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác thu BHXH, BH thất nghiệp và giải quyết chế độ BHXH luôn đảm bảo đẩy đủ và kịp thời.
Về công tác quản lý lao động phi chính thức, tính đến năm 2018, số lao động phi chính thức ở Việt Nam là 19,3 triệu người, chiếm 35,6% lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động phi chính thức là 56,2%.Tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ có 4,8 triệu đồng/tháng (bằng 2/3 tiền lương của lao động chính thức là 6,9 triệu đồng/tháng).
Các chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức bao gồm: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách việc làm công; Chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc (Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm); Các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều Chương trình, dự án lớn trên phạm vi cả nước như: CTMT quốc gia về việc làm qua các giai đoạn; CTMT GDNN-Việc làm và ATLĐ giai đoạn 2016-2020; CTMT quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;...
Cả nước hiện có khoảng 55,4 triệu người, trong đó lao động phi chính thức chiếm khoảng 56%. Đối với nhóm lao động chính thức, các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thách thức đặt ra hiện nay chính là lực lượng lao động phi chính thức. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội đất nước nhưng cũng lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro và ít được thụ hưởng chính sách nhất. Điều đó được thể hiện rõ thông qua đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi tháng có khoảng 80.000 - 90.000 người tham gia vào thị trường lao động. Riêng lực lượng lao động có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 11.000 người/tháng.
Từ thời điểm tháng 4 – 5, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng bởi doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Từ đó dẫn đến tình trạng lao động bị ngưng việc, giãn việc, mất việc.
Ảnh minh họa
Về việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ ASXH 62.000 tỷ đồng đợt một được kết cấu từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả tiền mặt và các chính sách hỗ trợ khác.
Đến nay các địa phương đã phê duyệt danh sách các đối tượng được thụ hưởng lên tới 16,8 triệu người. Số giải ngân qua kho bạc gần 12.000 tỷ đồng, trích từ 36.000 tỷ đồng tiền mặt trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác của gói 62.000 tỷ đồng như: Tạm dừng đóng BHXH, chi trả trợ cấp thất nghiệp…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch.
Trước tình hình đó, Bộ đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Tập trung hỗ trợ vào nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Bởi theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
PV