Ngành BHXH triển khai 9 nhóm định hướng, nội dung truyền thông chính sách BHXH, BHYT

25/08/2020 03:05 PM


BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 2643/BHXH-TT gửi các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam đánh giá, trong những năm qua, công tác truyền thông của ngành BHXH đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc, góp phần tạo đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tạo niềm tin, sự yên tâm và tin tưởng trong Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước. Nội dung, hình thức truyền thông của ngành BHXH được đổi mới cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, tuyên truyền vận động trực tiếp đến người dân đã và đang được BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện có hiệu quả.

Toàn Ngành BHXH tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT (Ảnh minh họa)

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, trong bối cảnh tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn nhiều, BHXH Việt Nam chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong toàn Ngành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

BHXH Việt Nam định hướng, nội dung truyền thông thời gian tới gồm:

Thứ nhất, truyền thông kết quả thực hiện toàn diện các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, những nỗ lực của toàn Ngành trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề “Toàn ngành BHXH quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Thứ hai, truyền thông về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Thứ ba, tuyên truyền, động viên khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực cũng như ý nghĩa của việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân của mỗi người dân, từ đó giúp người dân hình thành thói quen chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như một nhu cầu thiết yếu để chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thứ tư, truyền thông vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT để tặng sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định… để ngày càng có nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội, qua đó lan tỏa sâu rộng trong xã hội truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt của chế độ BHXH, BHYT đối với đời sống của người lao động và Nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục truyền thông chuyên sâu về ý nghĩa nhân văn, giá trị thiết thực, lợi ích vượt trội khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, những rủi ro khi không tham gia. Qua đó giúp người dân hiểu sâu sắc hơn nữa chính sách BHXH, BHYT do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện là các chính sách an sinh xã hội quan trọng, trụ cột của Đảng và Nhà nước, được Nhà nước đảm bảo thực hiện, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta, vì lợi ích lâu dài, bền vững của mỗi người dân; là chính sách quan trọng để đảm bảo quyền được an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Thứ sáu, truyền thông giá trị vật chất, tinh thần của việc hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động, qua đó hình thành thói quen tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy cho tuổi già, không lựa chọn hưởng BHXH một lần; vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người đang hưởng lương hưu hàng tháng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ bảy, truyền thông về giá trị, ý nghĩa thời sự của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người lao động và Nhân dân.

Thứ tám, truyền thông những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ của BHXH Việt Nam trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh gây ra. 

Thứ chín, truyền thông các thông tin chỉ dẫn, các kênh thông tin, địa chỉ tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của người dân như: số hotline, địa chỉ, số điện thoại, email cơ quan BHXH các cấp, các đại lý thu BHXH, BHYT… để người dân tiếp cận chính sách BHXH, BHYT, BHTN thuận lợi.

BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá hiệu quả các kênh truyền thông đã và đang thực hiện; qua đó thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư.

Hình thức truyền thông phải xuất phát từ đặc thù từng nhóm dân cư gắn với nội dung truyền thông phù hợp, gần gũi, thân thiện; kết hợp hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông mới. Để nâng cao hiệu quả truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cần ưu tiên các hình thức sau:

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiến nghị, đề xuất việc hoàn thiện các quy định pháp luật có  liên quan, nhất là quy định về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm tạo sự hấp dẫn, thân thiện của chính sách đối với người dân trong quá trình tiếp cận như: đề xuất mở rộng phạm vi hưởng của chính sách BHXH tự nguyện, xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt…

PV