Tạo cơ chế phù hợp để 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT

18/08/2020 04:24 PM


Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm thiểu số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm thiểu số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có  hành vi nguy cơ cao.

Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Bên cạnh đó, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Ảnh minh họa

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 11 nhóm giải pháp. Trong đó, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng cách: Điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định. Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS. Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS gồm lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chiến lược đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng cách: Cập nhật kịp thời hướng dẫn điều trị HIV/AIDS theo các khuyến cáo mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS, bảo đảm điều trị an toàn, hiệu quả; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS; mở rộng các hoạt động cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện; mở rộng độ bao phủ các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS.

Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ BHYT chi trả theo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT; có cơ chế phù hợp để 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống BHYT theo quy định hiện hành; phối hợp rà soát, sửa đổi một số điều, khoản của Luật BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Phạm Tú