BHXH Việt Nam - JICA: Hợp tác hướng tới mở rộng diện bao phủ BHYT bền vững
15/08/2020 02:19 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 14/8, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có buổi làm việc trực tuyến báo cáo cuối kỳ về Dự án xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam (SHIP).
Tham dự buổi làm việc tại điểm cầu BHXH Việt Nam có ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế kiêm phụ trách Ban THCS BHYT, BHXH Việt Nam; bà Nozomi Iwama- Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam. Tại điểm cầu Nhật Bản có ông Shimizu Akira- Trưởng Đại diện JICA cùng đại diện các ban nghiệp vụ BHXH liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Shimizu Akira- Trưởng Đại diện JICA đã gửi lời cảm ơn chân thành tới BHXH Việt Nam trong suốt hơn 2 năm qua đã tích cực phối hợp với các chuyên gia của JICA thực hiện Dự án. Ông bày tỏ tin tưởng với sự phát triển vượt bậc của BHXH Việt Nam trong những năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Ông Shimizu Akira- Trưởng Đại diện JICA tại điểm cầu Nhật Bản
Báo cáo tổng quát về Dự án, ông Hironari Onishi- Trưởng nhóm dự án SHIP cho biết, trên cơ sở hiện trạng hệ thống BHYT và tình trạng già hóa dân số cũng như những phương hướng, chính sách trong thực hiện BHYT của Chính phủ Việt Nam và tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Dự án đã đưa ra đề xuất Kế hoạch chiến lược nhằm cải thiện hệ thống BHYT của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, Dự án có 7 đầu ra trong đó 2 đầu ra liên quan trực tiếp đến BHXH Việt Nam gồm: Cải thiện hệ thống thông tin về giám định yêu cầu thanh toán BHYT và đề xuất các giải pháp mở rộng độ bao phủ của BHYT sẽ do BHXH Việt Nam thực hiện. Bộ Y tế sẽ thực hiện 4 đầu ra gồm: Xác định phương thức chi trả chi phí y tế tối ưu dựa trên bằng chứng; xây dựng các gói DVYT cơ bản do Quỹ BHYT chi trả dựa trên bằng chứng; tăng cường năng lực và hiệu quả của ứng dụng CNTT trong quản lý cung cấp dịch vụ và chi trả BHYT; kiện toàn chức năng và cải thiện năng lực của Hội đồng Tư vấn Quốc gia về chính sách BHYT.
Đồng thời, đề ra 7 mục tiêu cụ thể gồm: Cải thiện chất lượng y tế; cải thiện khả năng tiếp cận các cơ sở y tế; thúc đẩy tự chủ tài chính của cơ sở y tế Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng cao độ tin cậy của BHYT; tăng cường quản lý và ổn định tài chính Quỹ BHYT; thúc đẩy công tác hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và tăng cường chức năng Hội đồng; xem xét các giải pháp/chính sách ứng phó với xã hội siêu già hóa.
Đánh giá cao quá trình làm việc của dự án trong quá trình triển khai tại BHXH Việt Nam thời gian qua, ông Lê Văn Phúc khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, BHXH Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với các chuyên gia của JICA để có được bản báo cáo như ngày hôm nay. Theo ông Phúc, bản báo cáo đã mô tả một cách chân thực chính sách BHYT tại Việt Nam. “Các bạn đã phân tích vấn đề về chính sách mà phía Việt Nam cũng cần điều chỉnh. Những đề xuất của các bạn đối với Dự án về cơ bản sát với thực tế, vấn đề mà Việt Nam cần hướng tới.”, ông Phúc nói.
Toàn cảnh buổi họp
Tuy nhiên, đối với chiến lược phát triển của Dự án trong tương lai, ông Phúc cho rằng, hai phía cần tiếp tục thảo luận, cân nhắc kỹ một số vấn đề như dữ liệu báo cáo dài hạn; phân tích tuổi thọ trung bình tại Việt Nam; phân tích chuyên sâu về BHYT…
Trong giai đoạn tới, BHXH Việt Nam mong muốn, JICA tiếp tục hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia; hoàn thiện mô hình giám định điện tử trong bối cảnh BHXH Việt Nam đang hoàn thiện thanh toán chẩn đoán DRG thay vì như hiện tại; hỗ trợ mở rộng diện bao phủ BHYT bền vững để đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra là 95% trong năm 2025.
PV