Tăng cường các nguồn lực trong phòng chống HIV/AIDS
23/07/2020 08:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 22/7, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp chuyên gia về nguồn lực trong phòng chống HIV/AIDS. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc; đại diện Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các Bộ, ngành hữu quan...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, các quy định của Luật hiện hành về nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS đã thể hiện những điểm chưa phù hợp trong tình hình mới; đòi hỏi việc sửa đổi luật lần này phải có giải pháp tăng cường nguồn lực trong nước, đảm bảo không ai bị để lại phía sau; giữ gìn và phát huy thành quả đã được trong công cuộc ứng phó với HIV/AIDS trong những năm qua.
Ước tính nhu cầu nguồn lực và giải pháp tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Phó Chánh Văn phòng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của các cấp ủy Đảng, các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng. Xác định, ngân sách địa phương là nguồn tài chính chủ yếu đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho thuốc và một số vật phẩm can thiệp giảm tác hại.
Cũng theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, cần tiếp tục vận động và huy động nguồn viện trợ Quốc tế để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc; Tận dung tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong nước bao gồm: Quỹ BHYT chi trả toàn bộ các dịch vụ trong phạm vi chi trả theo quy định; tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ và lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí - hiệu quả…
Toàn cảnh cuộc họp
Đưa ra giải pháp, đề xuất tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật một số tỉnh/ thành phố chỉ ra rằng cần xác định nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Các tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo và đầu tư tài chính từ tỉnh đến huyện/thị/thành phố và xã phường trong tỉnh; tiếp tục đưa mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài trợ trong nước và nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động nguồn tài chính từ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, các cá nhân... thực hiện cơ chế tài chính theo hướng có sự đóng góp của người dân. Triển khai hiệu quả khám, chữa bệnh HIV/AIDS sớm và do BHYT chi trả; Tăng tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT lên trên 100%.
Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ các địa phương thông qua kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chi trả BHYT và tự chi trả một phần của bệnh nhân, mời gọi hỗ trợ của dự án trong nước và quốc tế... Tăng cường quản lý, giám sát và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần nêu rõ, các ý kiến thảo luận tại cuộc họp sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban; đồng thời, giúp Ban soạn thảo có thêm thông tin, bổ sung các vấn đề về việc giải quyết thỏa đáng những bức xúc, khó khăn trong quá trình thực hiện phòng chống HIV/AIDS; tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến nguồn lực để thực hiện phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo tính bền vững của Luật khi đi vào cuộc sống.
Phạm Tú