“Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025”

21/07/2020 10:24 AM


Là tiêu đề cuộc Hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức ngày 20/7, tại Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, địa phương…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định: Xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi, việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ năm 1996. Kết quả phân định được Đảng và Nhà nước làm căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi nhiều chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh vùng DTTS và miền núi phát triển KT- XH.

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giao Chính phủ “Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10/3/2020, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định bộ tiêu chí phân định cụ thể và quyết định công nhận danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I. Cơ quan chủ trì soạn thảo UBDT đã Dự thảo quyết định tiêu chí và kết quả phân định sơ bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi được báo cáo tại Hội thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cán bộ quản lý cùng tập trung phân tích, đánh giá tác động và hiệu quả của việc phân định đến công tác quản lý nhà nước, việc hoạch định chính sách, xác định đối tượng, địa bàn, xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ đối với vùng DTTS và miền núi; cơ sở khoa học, thực tiễn, những yếu tố cơ bản, cách tiếp cận phù hợp để xác định tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn...

Toàn cảnh hội nghị

Theo Dự thảo, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: Xã có từ 15% trở lên số hộ DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng; thôn có từ 15% trở lên số hộ DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng. Đối tượng áp dụng là các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp… (gọi chung là thôn) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là rất cần thiết, để làm căn cứ triển khai thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tùy điều kiện đặc thù của từng địa phương, các đại biểu đã đóng góp cụ thể về tiêu chí phân định cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, như: Xem xét đối với những xã, thôn bản ĐBKK thuộc thị trấn; xem xét về tiêu chí vùng DTTS và miền núi với 15% trở lên số hộ đồng bào DTTS sinh sống bởi nhiều khu vực rất khó khăn, đồng bào DTTS sống đan xen nên không đủ tiêu chí số hộ; đề nghị bổ sung thêm tiêu chí về số hộ cận nghèo; có quy định đặc biệt cho các xã biên giới, bãi ngang ven biển…

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến ghi nhận, biểu dương những ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định, Hội thảo rất quan trọng và cần thiết để hoàn thiện “Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025”. Điều này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời phía cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của địa phương để hoàn thiện tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu để có những quy định riêng đối với những trường hợp cá biệt. Để bảo đảm tính khách quan, khoa học, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBDT sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp để thống nhất ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

PV