Giáo viên tại các trường tư thục, trường nghề được hỗ trợ gói 62.000 tỉ
17/07/2020 08:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý sửa đổi một số quy định về hỗ trợ COVID-19 như mở rộng đối tượng, giảm điều kiện để có thêm nhiều người lao động, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, trong đó có giáo viên tư thục.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông báo “tin vui”, khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ. Do các quy định ban đầu quá chặt chẽ, nên đến nay có rất ít doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn 16.000 tỉ (trong gói 62.000 tỉ).
Khi dịch bệnh tạm thời được khống chế, để hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn sớm khôi phục sản xuất, bộ đã đề xuất với Chính phủ giảm một số điều kiện, thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn; mở rộng hỗ trợ đến người lao động là giáo viên các trường tư thục, kể cả trường nghề.
“Tại cuộc họp Chính phủ chiều 15/7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất mở rộng đối tượng, giảm các điều kiện để giáo viên tư thục, doanh nghiệp được hỗ trợ. Bộ sẽ nhanh chóng thảo luận với các bộ, ngành liên quan để sớm nhất có hướng dẫn để các địa phương triển khai. Thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài đến hết năm 2020.” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo ông Đào Ngọc Dung, 6 tháng đầu năm ngành lao động đứng trước nhiều cam go và thách thức, đặc biệt COVID-19 tác động mạnh đến lao động, dẫn đến mất việc, ngừng việc, thất nghiệp gia tăng.
Chưa bao giờ thất nghiệp cao như hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp là 2,8%. Người lao động bị ngưng việc tăng cao. Quy mô lao động giảm gần 2 triệu người, từ 54,2 triệu xuống còn trên 52 triệu.
Theo báo cáo, có gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm tới trên 57%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý I và gần 300.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Dung cho rằng bên cạnh đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu thì nay tình trạng hàng sản xuất xong mà không xuất khẩu được nên các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn.
“Nếu không giải quyết tốt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí tới đây cả các doanh nghiệp FDI cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó ngành dệt may, giày da, thủy sản... sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Phạm Tú