BHXH tỉnh Bình Định: 25 năm - một chặng đường

08/07/2020 09:58 AM


Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 27/7/1995, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 78/QĐ-BHXH thành lập BHXH tỉnh Bình Định, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH của Ngành Lao động - Thương binh xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh; tiếp nhận sự chuyển giao công tác thu từ Cục Thuế và Sở Tài chính; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đổi mới căn bản về thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trải qua hai mươi lăm năm hình thành và phát triển, BHXH tỉnh Bình Định luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh và BHXH Việt Nam; luôn nỗ lực phấn đấu và không ngừng phát triển, đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, BHXH tỉnh Bình Định từng bước đạt được những kết quả, thể hiện rõ nét qua con số tăng trưởng từng năm.  Nếu như năm 1995, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Định chỉ đạt đạt 14,8% so với dân số toàn tỉnh (tương đương 212.000 người tham gia BHYT); đến năm 2015, số người tham gia BHYT tăng lên 1.170.726 (đạt tỷ lệ bao phủ 77,1% dân số). Đến tháng 5 năm 2020, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Định là 1.392.096 người, đạt tỷ lệ 98,7% kế hoạch năm 2020 của BHXH Việt Nam giao và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,6% dân số toàn tỉnh Bình Định; vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 34/2019/NQ/HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 1995 là 29.589 người, đến năm 2015 con số này tăng lên  là 91.223 người (tăng 208% so với năm 2015). Theo kế hoạch thu năm 2020 BHXH Việt Nam giao, tính đến thời điểm 05 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh là 110.581người, đạt 93,7% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Một dấu ấn nổi bật, đó là số người tham gia BHXH tự nguyện tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2010, số người tham gia BHXH tự nguyện là 709 người, đến năm 2015 là 3.980 người và hiện nay, con số này đã tăng lên là 8.900 người (tăng 1.155% so với năm 1995).

BHXH tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức diễu hành tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH.

Cùng với sự gia tăng số người tham gia, công tác thu đạt những dấu mốc mới qua từng năm. Trong năm đầu mới thành lập 1995, toàn tỉnh Bình Định thu BHXH, BHYT đạt 16,1 tỷ đồng; năm 2015, số thu BHXH, BHYT là 1.863,2 tỷ đồng, tăng 1.847,1 tỷ đồng so với năm 1995. Năm 2020, kế hoạch BHXH Việt Nam giao BHXH tỉnh số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 3.237 tỷ đồng.

Sự phát triển mạnh mẽ ở số người tham gia, số thu BHXH, BHYT là nền tảng quan trọng để BHXH tỉnh thực hiện hiệu quả việc chi trả các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, năm 1995, số lượt người hưởng chế độ BHXH, BHYT toàn tỉnh chỉ có 19.153 lượt người, với tổng số tiền chi trả 16 tỷ đồng. Đến năm 2015, tổng số lượt người hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng lên 74.223 lượt người, tổng số tiền chi trả 1.952 tỷ đồng. Đến nay, chỉ trong 05 năm tháng đầu năm 2020, số tiền chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.382 tỷ đồng.

Cùng với đó, số lượt người người khám, chữa bệnh BHYT tăng theo từng năm. Năm 1995, số lượt người KCB BHYT là 119.361 lượt với tổng số tiền chi là 4,2 tỷ đồng; năm 2015 số lượt người KCB BHYT là 2.070.500 lượt với tổng số tiền chi là 650 tỷ đồng. Đến nay, trong 05 tháng đầu năm 2020, số lượt người KCB trên địa bàn tỉnh là 997.014 lượt với tổng số tiền chi là 473 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã thực hiện toán đầy đủ, đúng quy định cho những trường hợp KCB cho nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh có chi phí khám, chữa bệnh lớn.

Với mục tiêu luôn lấy sự hài lòng của người nhân, tổ chức và cá nhân làm mục tiêu thực hiện nhiệm vụ, công tác cải cách hành chính luôn được BHXH tỉnh Bình Định chú trọng. Theo đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông giữa các phần mềm nghiệp vụ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành liên quan, tạo thuận lợi trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, đảm bảo hồ sơ được giải quyết kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người dân. Kết quả của những nỗ lực này được thể hiện qua nhiều năm liền cơ quan BHXH tỉnh được UBND tỉnh Bình Định đánh giá, xếp loại là đơn vị có chỉ số cải cách hành chính đứng đầu Khối các cơ quan trên địa bàn tỉnh, luôn đứng tốp 03 trong toàn tỉnh.

Trong 25 năm qua, BHXH tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân Chương Lao động hạng Ba năm 2013, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015. Bên cạnh đó là nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định.

Với những nền tảng đã đạt được, BHXH tỉnh Bình Định đã và đang hướng tới những mục tiêu phát triển mới. Dù vậy, vẫn còn không ít thách thức. Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống người dân, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế, tác động không nhỏ đến phát triển BHXH, BHYT. Trong bối cảnh đó, BHXH tỉnh hướng tới mục tiêu duy trì bền vững và tiếp tục tăng cao số tham gia BHYT, đạt bao phủ tới 100% dân số. Với BHXH, việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH là cần nhiều giải pháp mạnh, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu đến năm 2021, 2025 đạt lần lượt 35% và 45% lực lượng lao động tham gia BHXH. Quan trọng hơn, hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, phải đạt khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đến năm 2025 đạt 55%.

Đây là những mục tiêu khó, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ trong nhiều năm, mới lẽ duy trì sự tham gia BHXH của một người lao động trong nhiều năm liền và đạt mục tiêu có lương hưu là rất gian nan, đòi hỏi công tác truyền thông, vận động thực sự hiệu quả, tác động sâu, nâng cao nhận của người dân, doanh nghiệp để các nhóm đối tượng chủ động tham gia.

Về phía cơ quan BHXH, phát huy triệt để những bài học kinh nghiệm đã có, kết quả đạt được, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước xây dựng niềm tin từ phía người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là đến năm 2021, đạt tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%. Hướng tới tăng tất cả các chỉ số nêu trên vào năm 2025, 2030. Thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng, nhân lực giảm theo chủ tương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối. Thực tế này đòi hỏi BHXH tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa bằng công nghệ thông tin, có chiến lược xây dựng đôi ngũ nhân lực chuyên nghiệp, yêu ngành, yêu nghề, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ tốt h ơn nữa đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Thời gian tới, BHXH tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu về BHXH, BHYT đề ra tại Nghị quyết hằng năm của UBND tỉnh, Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn đơn vị, tạo sức lan tỏa, động lực sáng tạo hoàn thành tốt các mặt công tác và nhiệm vụ đề ra, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

Mai Trâm