Thanh toán điện tử trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội: Thuận tiện và minh bạch
17/06/2020 10:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Ngân hàng thế giới và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hệ thống dữ liệu tích hợp và thanh toán điện tử trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm tìm giải pháp trợ cấp nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch cho các nhóm cần sự trợ giúp xã hội.
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó, có hơn 11,4 triệu người cao tuổi; khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; 6,2 triệu người khuyết tật; trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; có khoảng 3,75% hộ nghèo và 4,55% hộ cận nghèo; hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.
Bên cạnh đó, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Số người tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 500 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Toàn cảnh hội thảo
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, đến thời điểm này, mới chỉ có Cao Bằng, Quảng Ninh và sắp tới là Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội và chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống thanh toán điện tử tại địa bàn một số huyện.
"Việc ứng dụng thanh toán điện tử vào chi trả an sinh xã hội rút ngắn được thời gian, đảm bảo chi trả đủ, đúng đối tượng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do còn mới nên việc triển khai gặp một số khó khăn, đặc biệt khi triển khai cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa do năng lực tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử còn thấp nên sẽ còn mất nhiều thời gian, và chúng tôi đặt mục tiêu cuối cùng là đến năm 2025 sẽ thực hiện chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội qua ngân hàng. Từ nay đến 2023 các đối tượng dễ thực hiện hơn như hưu trí, hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo hiểm thất nghiệp... sẽ thực hiện trước", Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia về an sinh xã hội của Việt Nam và Ngân hàng thế giới đều cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu, mỗi người dân cần có mã căn cước công dân để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau như trợ giúp xã hội, hộ nghèo, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó có thể thực hiện so khớp dữ liệu để tránh trùng lắp và kiểm tra các điều kiện hưởng để xác định đối tượng hưởng của chương trình.
Tiếp đó cần có kế hoạch cho từng giai đoạn để mở tài khoản ngân hàng cho người dân, đặc biệt là cho các đối tượng trợ giúp xã hội để thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thụ hưởng… Cùng với đó là thay đổi nhận thức của người dân, đối tượng được thụ hưởng chính sách và ngay chính cán bộ thực hiện chính sách./.
PV