BHXH tỉnh Bắc Ninh: Chủ động nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ giữa “bão” dịch Covid-19
07/03/2020 05:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong những địa bàn “vệ tinh” của Thủ đô Hà Nội, tập trung nhiều doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... - những quốc gia có sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19, những ngày này, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không khỏi có những ảnh hưởng nhất định, kéo theo hàng loạt những hệ lụy, công tác thu BHXH, BHYT vì vậy gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã chủ động nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ - ông Phạm Đức Cường, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh trao đổi với PV Cổng TTĐT BHXH Việt Nam.
Giám đốc BHXH Bắc Ninh Phạm Đức Cường
PV: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các mặt của nền kinh tế, với BHXH tỉnh Bắc Ninh, có bị ảnh hưởng gì tới việc thực hiện nhiệm vụ, thưa ông?
Ông Phạm Đức Cường: Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhiều doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc vì không có việc, bên cạnh đó, một số người lao động lo ngại lây bệnh dịch nên cũng chủ động tự nghỉ việc dẫn tới số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc giảm và số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đó cũng giảm đáng kể. Cụ thể, trong tháng 02/2020, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc: 393.914 người, giảm 4.433 người (1,11%) so với tháng 01/2020; Số người tham gia BH thất nghiệp: 383.277 người, giảm 4.433 người (1,14%) so với tháng 01/2020.
Cũng trong tháng 02/2020, thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của toàn tỉnh là 499,29 tỷ đồng, giảm 91,73 tỷ đồng so với tháng 01/2020 (tương ứng 15,52%). Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 02/2019 số thu là 1.090,31 tỷ đồng, giảm 38,91 tỷ đồng (tương ứng 3,45%) so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, công tác thu BHXH tự nguyện cũng bị tác động không nhỏ. Do đặc điểm của dịch là hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người dẫn đến trong tháng 02/2020 BHXH tỉnh Bắc Ninh chưa tổ chức được các hội nghị tọa đàm, truyền thông, đối thoại trực tiếp đông người để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 415 người (5,75%) so với tháng 01/2020.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng dẫn tới tình trạng nợ BHXH có chiều hướng gia tăng. Tính đến ngày 29/02/2020, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn tỉnh là 396,29 tỷ đồng, tăng 0,70 tỷ đồng so với tháng 01/2020, chiếm 4,10% tổng số phải thu, tăng 5,21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nợ BHXH chiếm tới 75% tổng số tiền nợ với con số tuyệt đối lên tới 297,98 tỷ đồng.
BHXH Bắc Ninh tuyên truyền, vận động tới từng người dân về chính sách BHXH, BHYT.
PV: Vậy công tác giải quyết chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và Nhân dân được thực hiện như thế nào thưa ông? Đặc biệt là việc thực hiện các công văn của BHXH Việt Nam về giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch?
Ông Phạm Đức Cường: Xác định càng trong khó khăn, cơ quan BHXH càng chủ động hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động và Nhân dân, BHXH tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì tốt tất cả các hoạt đông nghiệp vụ, đặc biệt là công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ và chi trả các chế độ BHXH, BHYT. Trong tháng 02, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả các chế độ BHXH với tổng số tiền là 114,9 tỷ đồng. Các chế độ hưu trí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, chi bảo hiểm thất nghiệp... của người lao động được chính xác, kịp thời.
Đặc biệt, với tinh thần Ngành BHXH đồng hành cùng cả nước trong chiến dịch “chống dịch như chống giặc”, trong tháng 02, thực hiện Công văn số 442/BHXH-CSYT ngày 17/02/2020 của BHXH Việt Nam về việc lập dự toán kinh phí cho công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do nCoV gây ra, ngày 20/02/2020 BHXH tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 282/BHXH-GĐBHYT về việc lập dự toán dự toán kinh phí cho công tác phòng, chống dịch gửi các cơ sở KCB làm căn cứ tổng hợp gửi BHXH Việt Nam. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại Công văn số 362/BHXH-CSYT ngày 10/02/2020 về việc thanh toán chi phí KCB liên quan đến dịch bệnh do nCoV gây ra, ngày 26/02/2020 tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn số 327/BHXH-GĐBHYT gửi các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh về việc thanh toán chi phí KCB liên quan đến dịch bệnh do nCoV gây ra. Tại Công văn đề nghị các cơ sở KCB thống kê báo cáo BHXH tỉnh Bắc Ninh các chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT liên quan đến dịch bệnh do nCoV gây ra đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Công văn số 505/BYT-BH ngày 06/02/2020 định kỳ hàng tháng.
Trong tháng 02/2020, số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn tỉnh là 94,852 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm, số tiền chi khám chữa bệnh BHYT là 189,486 tỷ đồng.
Nhân viên đại lý thu tiền tham gia BHXH tự nguyện định kỳ hàng tháng của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
PV: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, giới chuyên môn cũng chưa thể nhận định khi nào hết dịch. Vậy BHXH tỉnh có phương án gì để đối phó với những khó khăn trước mắt?
Ông Phạm Đức Cường: Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh, BHXH tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị các đơn vị sử dụng lao động tăng cường việc giao dịch điện tử với cơ quan BHXH nhằm giảm thiểu việc giao dịch trực tiếp, hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc và lây lan dịch bệnh. Rất may từ trước đến nay BHXH tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc giao dịch điện tử nên đến khi có dịch chỉ cần tăng cường hơn thì lượng hồ sơ giao dịch trực tiếp đã giảm đi đáng kể và số người đến giao dịch trực tiếp hoàn toàn thưa vắng.
Bên cạnh tăng cường giao dịch điện tử, BHXH tỉnh duy trì việc thông báo số phải nộp BHXH, BHYT cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân bằng hình thức gửi thông báo qua đường bưu điện, email, dịch vụ nhắn tin tự động SMS, bên cạnh đó, các chuyên quản thu thường xuyên gọi điện, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để có chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đối với công tác thu BHXH tự nguyện, trong bối cảnh không thể tổ chức các hội nghị tập trung, BHXH tỉnh chỉ đạo đội ngũ cán bộ và hệ thống đại lý tổ chức truyền thông theo nhóm nhỏ tại các hộ dân cư tiềm năng, các tiểu thương tại các khu phố, chợ. Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn khi đi tuyên truyền...
Song song với đó, tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động khi có phát sinh, đặc biệt là các trường hợp thất nghiệp do dịch bệnh, các trường hợp người lao động phải nghỉ việc để cách ly vì nghi nhiễm dịch, điều trị bệnh do nhiễm dịch (nếu có) nhằm tạo niềm tin cho người dân vào chế độ, chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước cũng như cơ quan BHXH./.
PV (thực hiện)