Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020
20/02/2020 02:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 20/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp Hội đồng để bàn về những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể trong phòng chống Covid-19
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, tại cuộc họp với các cấp, các ngành ngay trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, trong đó nêu rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả nước đã thành lập gần 90 bệnh viện dã chiến và kiểm soát tốt dịch bệnh ngay tại cơ sở, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Trên tổng số 16 ca nhiễm COVID-19, đã có 14 người, trong đó có em bé 03 tháng tuổi được chữa khỏi.
Ngay sau khi 02 ca bệnh đầu tiên (người Trung Quốc) mắc COVID-19 tại Việt Nam được chữa khỏi, Chính phủ đã ngay lập tức quyết định khen thưởng các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng thời, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng về việc khen thưởng đội bay thực hiện nhiệm vụ quốc tế đưa hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc và đón 30 công dân về nước; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng đề xuất khen thưởng nhóm bác sĩ bay cùng để khám cho các công dân này. Như vậy, có ít nhất 03 bằng khen đột xuất tặng cho những người có công trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước để đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020.
Trong khuôn khổ phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan những thành công, tồn tại trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của thi đua khen thưởng; bàn để tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 10 nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ đó, phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025; bàn định hướng xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn, hợp lý, đúng trình tự…
Theo báo cáo của Hội đồng về công tác thi đua, khen thưởng Trung ương cho thấy, năm 2019, đã tổ chức phát động và tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua toàn quốc do Thủ tướng phát động như: “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; tuyên dương điển hình tiên tiến và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2025; phong trào thi đua “doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”... Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai có hiệu quả, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào những việc khó, trọng tâm, cấp bách, tạo bứt phá và động lực góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp tục là một trong những trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch và mang tính giáo dục, nêu gương. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 110.435 trường hợp. Trong tổng số cá nhân được khen thưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất chiếm gần 9% và khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chiếm trên 25%. Qua phong trào thi đua khen thưởng đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình được nhân rộng..
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức. Việc phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua để khen thưởng còn hạn chế, chưa kịp thời. Khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều...
Phát động thi đua thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước đóng góp trực tiếp vào kết quả vượt mức, toàn diện của đất nước trong năm 2019, mang lại niềm tin cho nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao tiềm lực kinh tế, đời sống của nhân dân, uy tín quốc tế của Việt Nam...
Nét nổi bật của công tác thi đua yêu nước đó là gắn với phong trào cách mạng, thiết thực, phong phú hơn, đóng góp vào xây dựng một dân tộc tự cường. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới, hàng vạn sáng kiến, giải pháp hữu ích, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nhấn mạnh công tác thi đua, khen thưởng rất chú trọng hướng về cơ sở, Thủ tướng cho biết, năm qua, với khối lượng công việc khổng lồ, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng trên 110.000 trường hợp, trong đó chuyên đề, đột xuất chiếm tới gần 8,8%, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp lên đến trên 25%. Công tác khen thưởng thành tích kháng chiến cũng rất được quan tâm, chú trọng, thể hiện sự tri ân đối với những hy sinh, mất mát của cá thế hệ đi trước.
Tuy vậy, công tác thi đua khen thưởng vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, phong trào thi đua ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc. Việc tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, chưa “đột kích” vào những tồn tại mà người dân quan tâm. Thông qua phong trào thi đua và khen thưởng để phát hiện những tấm gương xuất sắc trong công nhân, lao động chưa tạo được chuyển biến đồng đều ở các cấp, địa phương và cơ sở....
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các phong trào thi đua phải bám vào phương châm 12 chữ của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, nhất là năm 2020 có nhiều sự kiện hết sức quan trọng của đất nước, trong đó có đại hội Đảng các cấp, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tổ chức phát động các phong trào thi đua, tập trung vào các hoạt động thi đua cao điểm, nước rút và các nhiệm vụ cấp bách.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp, ngành nghiêm túc ngăn chặn hiệu quả, có những biện pháp mạnh mẽ trong nhân dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định xã hội, không để dịch gây đình trệ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, trong đó, tập trung vào cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương để phục vụ nhân dân. Tiếp tục triển khai phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Giao Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tham mưu, tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X để đại hội thực sự biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc, kết tinh của phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, qua đó, phát động sâu rộng, mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.
Đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, Thủ tướng yêu cầu, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng tấm gương điển hình tiên tiến cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới, đẩy lùi cái ác, cái xấu, đặc biệt là một số biểu hiện thiếu niềm tin./.
PV