Tiếp tục sát cánh, đồng lòng đưa ngành BHXH sang giai đoạn phát triển mới
14/02/2020 06:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Thành lập BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã dành cho Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam những chia sẻ về kết quả đạt được, nhận diện các khó khăn thách thức mà ngành BHXH đã, đang và cần vượt qua trong tương lai.
Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu - chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển an sinh xã hội bền vững, ổn định đời sống của Nhân dân.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
PV: Thưa Tổng Giám đốc, nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tổng Giám đốc có thể chia sẻ về kết quả mà Ngành đạt được trong chặng đường đã qua?
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:
Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu - chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH.
Tiếp đó, ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, từ đây những bất cập, chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sự nghiệp đã từng bước được được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng qua từng năm. Số người tham gia BHXH đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995.
Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, mới chỉ có 6,11 nghìn người tham gia, thì đến hết năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện đã có khoảng 600 nghìn người (tăng hơn 70 lần). Số người tham gia BH thất nghiệp cũng theo đó tăng nhanh với 5,99 triệu người tham gia kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 13,43 triệu người ở thời điểm năm 2019. Đặc biệt, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,3 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 90% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003 (năm mà chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang cho BHXH Việt Nam).
Trong 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).
Từ năm 2003 đến 2019, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người KCB BHYT, thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng số lượt KCB BHYT khoảng 28%, thì đến giai đoạn 2015-2019, đã đạt 43%.
Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 đến 2018, ngành BHXH đã phối hợp ngành Y tế để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người KCB BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí KCB BHYT; riêng năm 2019 đã thanh toán chi phí KCB cho trên 170 triệu lượt người, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2009.
Những con số nêu trên cho thấy diện bao phủ của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã không ngừng được mở rộng, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn người lao động, hàng triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh, tạo sự an toàn, ổn định xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội.
Nhìn lại 25 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
BHXH Việt Nam vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ
PV: Có thể thấy những kết quả, thành tựu ngành BHXH đạt được 25 năm qua là rất lớn, khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Qua quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam đã có những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm gì thưa Tổng Giám đốc?
Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành BHXH đã gặp nhiều thuận lợi cũng như không ít khó khăn, thách thức.
Chúng ta có nhiều thuận lợi như: Chính sách ASXH cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập. Trong 10 năm trở lại đây, Đảng đã ban hành 03 Nghị quyết quan trọng về ASXH, đó là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 “về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 “về cải cách chính sách BHXH”. Theo đó, Đảng đã đề ra mô hình BHXH mới, từ đơn tầng sang đa tầng, mở ra thời kỳ mới để mọi người đều được tham gia vào hệ thống BHXH. Ba Nghị quyết nêu trên đã tạo ra cơ hội lớn để ngành BHXH bứt phá trong phát triển đối tượng tham gia và mở rộng diện bao phủ BHXH, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong việc đảm bảo an sinh xã hội quốc gia. Các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được ban hành, sửa đổi kịp thời là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về BHXH, BHYT đảm bảo quyền ASXH cho người dân. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được cả hệ thống Chính trị quan tâm, vào cuộc….
Chúng ta cũng gặp phải những khó khăn như: Một số chính sách về BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế, không đồng bộ với các chính sách khác; Số người tham gia BHXH mới đạt trên 15,7 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện đã có những đột phá trong năm 2019 nhưng còn ở mức thấp so với tiềm năng; mục tiêu đến năm 2020 có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp tiếp tục là thách thức lớn cho ngành BHXH; Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm; Tính tuân thủ luật pháp chưa cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phổ biến; Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BH vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương…
Diện bao phủ của chính sách BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng
Trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan và nhất là sự ủng hộ, tin tưởng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp ASXH và hiện đại hóa đất nước. Có được những kết quả này, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết và hữu ích cho quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị có vai trò quyết định trong việc đảm bảo ASXH nói chung và thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Nơi nào, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thì kết quả đạt được là rất cao; ngược lại nếu chỉ tập trung vào một số nội dung hoặc thiếu đồng bộ thì kết quả bị hạn chế.
Xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ, tổng thể, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH, BHYT.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp tích cực cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia, tạo sự hài lòng đối với đơn vị, người dân, có như vậy mới thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội tích cực tham gia BHXH, BHYT.
Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT nhất là chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị sử dụng lao động nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động. Quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí; giải quyết và chi trả kịp thời, đúng quy định các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức; chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc, giao tiếp từ hành chính sang phục vụ, coi đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống BHXH.
Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ luôn được chú trọng
PV: Năm 2020, đánh dấu một thập kỷ mới của thế kỷ 21 và Ngành BHXH cũng bước sang giai đoạn mới, Tổng Giám đốc nhận định thế nào về cơ hội và thách thức, những nhiệm vụ cần tập trung của Ngành trong thời gian tới?
Việc Quốc hội vừa ban hành và sửa đổi kịp thời các đạo luật Lao động, Việc làm, BHYT và BHXH ngay sau khi có Hiến pháp là sự thể hiện rõ nhất mối quan tâm và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội. BHXH và BHYT luôn luôn được coi là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi nhất cho ngành BHXH trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và Ngành BHXH đã và đang tích cực áp dụng, triển khai sẽ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT…
Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn, thách thức mà Ngành BHXH phải vượt qua. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng được quốc tế và nhân dân ghi nhận nhưng cơ chế, chính sách về an sinh xã hội của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chiến lược an sinh xã hội chưa hướng vào mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự chống đỡ của người dân. Hệ thống chính sách an sinh xã hội chưa đầy đủ, đồng bộ, thiếu tính liên kết và hỗ trợ.
Ngoài ra, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và năng lực nội tại của nền kinh tế đặt ra cho đất nước những thách thức mới trong quá trình thực hiện Chiến lược an sinh xã hội. Trước hết là chưa giải đáp toàn diện cả về lý luận và thực tiễn của hệ thống an sinh xã hội. Hai là, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, xu hướng rủi ro kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và diện ảnh hưởng rộng. Ba là, xu hướng già hóa dân số tăng nhanh cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi quá trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế, xã hội. Cuối cùng là, phân hóa xã hội ngày càng tăng, xu hướng di cư tự do ngày càng lớn, đặt ra thách thức cho hệ thống an sinh xã hội. Giải quyết những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải tư duy trên tầm chiến lược về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trên lĩnh vực này.
Với mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, góp phần xây dựng nền an sinh bền vững, vẫn còn một chặng đường dài phía trước đối với ngành BHXH. Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn tiếp theo ngành BHXH cần tiếp tục bám sát các chủ trương, các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng về chính sách BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là đối tượng tham gia BHXH, người tham gia BHYT hộ gia đình; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia; từng bước thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách; thực hiện công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện hệ thống các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, hợp tác xã.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị. Tổchức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ. Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý). Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, hiện đại, chuyên nghiệp với mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được thực hiện
PV: Là người chỉ đạo, truyền cảm hứng, gắn bó với Ngành BHXH trong giai đoạn có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, sang giai đoạn tiếp theo, Tổng Giám đốc có thông điệp gì gửi tới tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành?
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, tôi cũng như toàn thể cán bộ Ngành sẽ luôn tự hào với những thành tích mà ngành đã đạt được, về những đóng góp tích cực của Ngành đối với an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước.
Có thể nói, thời gian qua, khối lượng công việc và mục tiêu mà ngành BHXH phải thực hiện đã tạo nên sức ép rất lớn đối với cán bộ Ngành BHXH. Cùng với độ bao phủ tăng lên, số người tham gia và thụ thưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng lớn đồng nghĩa khối lượng công việc ngày càng nhiều...
Trong giai đoạn này, có rất nhiều việc mà ngành BHXH thực hiện lần đầu tiên như: xây dựng các CSDL tập trung toàn quốc về hoạt động quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, hồ sơ lưu trữ; xây dựng mã định danh; thực hiện giao dịch điện tử; giám định điện tử;… Nhiều việc đòi hỏi phải rà soát, chuẩn hóa mất rất nhiều thời gian, công sức như: trả sổ BHXH, thu thập dữ liệu hộ gia đình,…
Hòa chung với xu thế phát triển của đất nước, Ngành BHXH có nhiệm vụ thực hiện các chính sách trụ cột của hệ thống ASXH của đất nước, đồng thời cũng là cơ quan phục vụ đặc thù. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp, chúng ta không được phép tụt lại phía sau trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được hưởng ứng như hiện nay.
Càng khó khăn thì thành tựu mà chúng ta đạt được càng có ý nghĩa. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo dựng được nền tảng cơ bản cho bước phát triển tiếp theo của ngành BHXH, đạt mục tiêu hiện đại hóa trong quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho người tham gia, vị thế của Ngành ngày một nâng lên.
Những kết quả đạt được đó chính là công sức, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH. Chúng ta đã và hãy tiếp tục giữ được khối đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống, nó sẽ tạo ra sức mạnh nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm nên những kết quả ấn tượng trong thời gian tiếp theo, góp phần tạo dựng nền an sinh bền vững, xây dựng đất nước thịnh vượng và phát triển.
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ hiện nay, yếu tố CNTT cần phải được đặc biệt coi trọng vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo… có tác động, hỗ trợ đắc lực. Do đó, lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động BHXH Việt Nam cần phải đổi mới tư duy làm việc; tăng cường học tập, rèn luyện nâng cao trình độ CNTT, làm chủ các phần mềm nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị tụt hậu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại thì công chức, viên chức, người lao động cũng cần nỗ lực, phấn đấu xây dựng “Văn hóa ngành BHXH” là sự thân thiện, gần gũi, phục vụ tốt người tham gia BHXH, BHYT.
Thay mặt Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn tập thể cán bộ, CCVC, NLĐ của toàn ngành đã sát cánh, đồng lòng đưa ngành BHXH bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển với vị thế, trách nhiệm mới theo kịp với yêu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế quốc tế. Chúc toàn thể các đồng chí cùng gia đình sức khỏe, an khang, thịnh vượng!
PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)