Đổi mới và nâng cao hiệu qủa giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội
12/02/2020 09:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 12/02, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng; Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường, cùng các đại biểu thuộc 2 đơn vị tổ chức Hội thảo và các chuyên gia ở ngành Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội...
Quang cảnh Hội thảo, ảnh quochoi.vn
Năm 2017, trên cơ sở tổng kết 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế thừa đổi mới và phát triển, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất và được Bộ khoa học và Công nghệ quyết định giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước mã số KX01.24/16-20 về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam”.
Sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát, tổ chức toạ đàm tại 6 tỉnh, thành phố và tổ chức hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/02 là lần thứ 3, hội thảo về đề tài này được tổ chức nhằm mục tiêu hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp các căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh: Hiện nay, ở nước ta việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cơ quan quản lý nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn thể chính trị xã hội. Tuy nhiên, việc phân định về nội dung, mục tiêu, phạm vi, hình thức cũng còn chưa thật rõ ràng, còn có sự chồng chéo. Hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội chưa cao.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, từ thực trạng hiện nay, đề tài chỉ ra được những điểm chủ yếu cần hoàn thiện về nội dung và đề xuất những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật, an sinh xã hội những năm tới. Những nội dung và giải pháp mà đề tài đề xuất được xuất phát từ các quan điểm lý luận, từ thực trạng và đặc biệt là từ những hạn chế hiện nay trong giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam, vì thế nó có căn cứ khoa học và tính khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo. Ảnh quochoi.vn
Tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Xã hội càng phát triển, những vấn đề an sinh xã hội càng được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu; mức độ đảm bảo về an sinh xã hội phản ánh trình độ phát triển và tính chất nhân văn, an toàn của mỗi quốc gia. Những vấn đề an sinh xã hội thường có mối quan hệ và liên đới, gắn kết với những vấn đề của nhóm người yếu thế, cần có tiếng nói, giám hộ của những người đại diện.
Đối với nước ta, những vấn đề an sinh xã hội còn được xem như những phạm trù xa lạ đối với nhiều người dân, kể cả những người thuộc đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của người đại diện là các cơ quan dân cử trong việc giám sát việc thực thi các chính sách an sinh xã hội là vấn đề cần được quan tâm không chỉ với mục tiêu đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân mà còn góp phần hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta hiện nay.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia còn cho ý kiến về quan điểm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách pháp luật và an sinh xã hội ở Việt Nam; tham luận về giám sát an sinh xã hội của nghị viện các nước trên thế giới...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi hoan nghênh sự đóng góp của các đại biểu đối với đề tài cũng như vào việc đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam.
Đối với nhà nước và cộng đồng, chính sách, pháp luật an sinh xã hội là một trong những hợp phần quan trọng trong chương trình xã hội của một quốc gia và là một công cụ quản lý của nhà nước, qua đó giữ gìn sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, giảm bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội, tạo sự đồng thuận giữa các giai tầng, các nhóm xã hội trong quá trình phát triển.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn tiếp tục ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia về công tác giám sát của cơ quan dân cử để thực hiện tốt hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và an sinh cho người dân./.
PV