BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng mang lại cuộc sống mới
03/02/2020 03:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày nay chính sách BHYT ngày càng được nhân rộng trong nhân dân và tấm thẻ BHYT với đa số bệnh nhân mắc các bệnh nan y đã trở thành chiếc phao duy trì sự sống, giúp họ tiếp tục sống bên người thân, có mặt trên đời này. Đó cũng là minh chứng cho sự chia sẻ của cộng đồng với mỗi người kém may mắn.
Tại xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, chúng tôi tới để gặp bác Võ Văn Mười (sinh năm 1964) - Người bị bệnh tim nặng nhờ việc tham gia BHYT được chi trả phần lớn số tiền điều trị, bình phục trở về xum vầy bên gia đình. Trong ngôi nhà tranh lợp mái tôn đơn sơ, gia đình bác Võ Văn Mười hôm đó rất đông họ hàng, bà con trong ấp qua động viên, chia vui với bác Mười đã vượt qua lúc khó khăn nhất của bệnh tật trở về cuộc sống đời thường. Và nhiều người trong họ cảm thấy rõ lợi ích nhờ tham gia BHYT, do đó chi phí điều trị của bác Mười được quỹ BHYT chi trả 80%, tương đương gần 300 triệu đồng.
Bác Võ Văn Mười (ngồi giữa) chia sẻ nhờ tham gia BHYT đã giúp bác yên tâm điều trị bệnh tim, bình phục trở về xum vầy bên gia đình
Vốn là gia đình thuần nông, nghề chính là làm ruộng, phụ hồ, nếu không có thẻ BHYT và sự chia sẻ của cộng đồng, bác Mười không dám tin đời mình sẽ về đâu, liệu còn có ngày hôm nay. Bác Mười bị bệnh tim, các sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán phải mổ không nguy kịch tính mạng. Nhưng chi phí ca mổ lên tới hàng trăm triệu. Bác Mười và các thành viên trong gia đình chần chừ hoãn lại việc điều trị để lo liệu. Rất may được các bác sỹ tư vấn do bác Mười đã tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả 80% chi phí điều trị, điều này giúp bác Mười và gia đình yên tâm, vững tin tiếp tục tiến hành điều trị. “Khi biết mình mang bệnh, với chi phí điều trị đắt đỏ, cả nhà gần như suy sụp. Vì với nghề làm nông nghiệp, số tiền điều trị, thuốc men, tiền giường nằm tại bệnh viện là cả gánh nặng không thể vượt qua. Cũng may tôi có thẻ BHYT, và được Quỹ BHYT thanh toán, nhờ đó gia đình tìm thấy niềm tin hy vọng”- bác Mười tâm sự. Qua ca mổ, giờ đây sức khỏe bác Mười dần bình phục, hằng tháng chỉ lên bệnh viện lấy thuốc và tiền thuốc cũng được Quỹ BHYT chi trả phần lớn. Nếu không được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí điều trị thì bác Mười và gia đình đã bỏ cuộc từ lâu.
Bác Mười tâm sự: “Tôi đã tham gia BHYT được 2-3 năm. Tấm thẻ màu xanh này được tôi gói nilong cất kỹ trong tủ, khi đi lại kẹp vào ví cẩn thận. Tôi vẫn thường nói với mọi người đó là “sinh mệnh” của tôi. Quả thật, căn bệnh của tôi quá hiểm nghèo, điều trị rất tốn kém và lâu dài nhưng nhờ có thẻ BHYT mà tôi có thể yên tâm chữa bệnh”.
Cùng với việc áp dụng nhiều giải pháp, đặc biệt việc đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức truyền thông, những năm qua việc phát triển BHYT tại tỉnh Tiền Giang không ngừng được mở rộng. Số người tham gia BHYT có tốc độ tăng nhanh vượt bậc, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Tiền Giang có 1.586.114 tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 89,4% dân số, vượt 3,6% chỉ tiêu bao phủ BHYT Thủ tướng Chính phủ giao.Trường hợp như bác Mười không phải là hiếm tại Tiền Giang thời gian qua. Đến cuối năm 2019, BHXH Tiền Giang giải quyết quyền lợi cho 3.733.712 lượt người khám, chữa bệnh BHYT, số chi lên tới 893,22 tỷ đồng.
Trong chuyến công tác tại Tiền Giang của chúng tôi, qua tìm hiểu thực tế, đa số người dân nơi đây đều có chung nhân định chính sách BHYT rất thiết thực với đời sống và bản thân từng cá nhân./.
Thái Dương