Xử phạt nếu không niêm yết giá hoặc tăng giá khẩu trang
31/01/2020 10:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 31/01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp
Tham dự cuộc họp là lãnh đạo các bộ, ngành thành viên, ngoài ra có đại diện của thành phố Hà Nội, TPHCM, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, 2 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm là Công ty cổ phần CP và Công ty Dabaco.
Giá cả đang phức tạp, bất thường
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết tình hình giá cả ngay từ đầu năm đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp nên Chính phủ triệu tập họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình điều hành giá ngay từ đầu năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, theo nhiều dự báo, nCoV sẽ tác động lớn nhất tới lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng theo xu hướng giảm do kinh tế thế giới sẽ giảm sâu hơn dự báo, tác động tới ngành hàng không, du lịch cũng suy giảm theo; Cần xem xét vấn đề giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV để bảo đảm nguồn cung trong nước. Thứ hai, hàng hóa trong dịp Tết dồi dào, không có sốt hàng, tăng giá nhưng đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2020 tăng khá cao (1,23%) so với tháng 12 trước đó.
Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết giá thịt lợn hơi hiện nay vẫn giữ ở mức cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và đặt ra vấn đề “do cung-cầu hay là do độc quyền cung ứng gây ra chuyện này?”, đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên ngành làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, giá bán thịt lợn cũng như thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi, sớm báo cáo Ban Chỉ đạo. Bộ NN&PTNT báo cáo việc thực hiện quyết định nhập khẩu thịt lợn thành phẩm, việc tái đàn, cung ứng thịt lợn sau Tết.
“Nhà nước không can thiệp thô bạo vào thị trường nhưng phải bảo đảm hài hoà lợi ích sản xuất, người tiêu dùng và xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã tập trung trao đổi về giá các mặt hàng thiết yếu, nguồn cung thịt lợn, giá một số mặt hàng phục vụ cho việc phòng chống dịch,… và cho rằng cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo để điều hành mặt bằng giá giảm ngay (theo các chỉ tiêu định sẵn) trong tháng 2 và tháng 3 thì điều hành CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn.
Trước bối cảnh dịch cúm nCoV dẫn đến việc hạn chế giao thương thì Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo việc chế biến sâu, điều chỉnh nguồn hàng, tăng cường sản phẩm thay thế như làm thức ăn gia súc để không phải nhập khẩu.
Quang cảnh cuộc họp
Quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung-cầu, bảo đảm lợi ích các bên
Liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng, các đại biểu nhận định nhu cầu đang tăng đột biến. Các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá. Sẽ xử phạt nghiêm nếu găm hàngàm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh tình hình mới đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện theo các chỉ đạo tại Kết luận số 03 ngày 04/01/2020 để kiểm soát lạm phát theo kịch bản từ đầu năm và cả năm 2020.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát giá xăng dầu thế giới để dự báo các diễn biến, trên cơ sở đó sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu.
Đối với nhóm hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt lợn, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn, báo cáo cụ thể Chính phủ. Theo đó, quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung-cầu, bảo đảm lợi ích các bên, giúp giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 3 về mức 60.000-65.000 đồng/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg hơi, mức bình thường trước khi có dịch. Tăng cường công tác chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
Để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa nCoV, Phó Thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.
Bộ TT&TT chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ./.
PV