Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước
22/01/2020 11:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước.
Mục đích của Kế hoạch là tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung kết luận số 52-KL/TW trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, hoàn thành trong quý II/2020. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí quan trọng của trí thức trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã nêu trong Nghị quyết 27.
Hai là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức.
Các Bộ ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức đối với các sản phẩm sáng tạo do mình làm ra, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo của trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Đẩy mạnh triển khai và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; hỗ trợ; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ khối nghiên cứu ra doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với trí thức, đặc biệt đối với trí thức làm việc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình….
Ba là, ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức…
Bốn là kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các liên hiệp hội, hội trí thức.
Năm là xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030./.
PV