Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ ngành BHXH: Đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
17/01/2020 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã chủ động, tích cực trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bằng hình thức bồi dưỡng trực tuyến, khẳng định bước phát triển tiến bộ trong công tác bồi dưỡng, góp phần vào công tác cải cách hành chính của Ngành BHXH.
Triển khai bồi dưỡng trực tuyến toàn Ngành
Năm 2019, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCVC trong Ngành đã được Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể: Tổ chức bồi dưỡng được 51 lớp với 4.586 học viên, trong đó có 44/51 lớp trong kế hoạch với 4.088 học viên và 07 lớp ngoài kế hoạch với 498 học viên. Bồi dưỡng trực tuyến cho 2.039 viên chức mới vào Ngành và viên chức thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây cũng là năm đầu tiên ngành BHXH ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCVC bằng hình thức trực tuyến. Tính ưu việt của hình thức bồi dưỡng này giúp học viên chủ động về thời gian, tiết kiệm kinh phí, linh hoạt về thời gian, không gian, giảm tải trong di chuyển, đi lại của học viên vừa tạo điều kiện để CCVC giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, giúp học viên tiếp cận các bài giảng trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành năm 2019, hướng tới Chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập ngành BHXH (16/02/1995-16/02/2020).
Cán bộ ngành BHXH nhận chứng nhận Lớp bồi dưỡng tính toán định phí và cân đối quỹ BHXH do Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH và ILO phối hợp tổ chức
Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động bồi dưỡng khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ của ngành BHXH. Đây là loại hình bồi dưỡng mới được áp dụng, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH phải có chiều sâu về nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cũng như công tác quản lý, điều hành để phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã tổ chức liên kết với các trường, học viện, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH, BHYT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong và ngoài ngành BHXH. Qua quá trình liên kết tổ chức bồi dưỡng đã khẳng định nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành BHXH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu luôn được BHXH Việt Nam quan tâm, phát triển. Hiện nay, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH có 10 giảng viên. Tất cả giảng viên hữu cơ ngành BHXH tham gia giảng dạy là những người có trình độ và nhiều kinh nghiệm công tác; thường xuyên nghiên cứu, trau dồi, cập nhật các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nghiệp vụ của Ngành; nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và thường xuyên đi thực tế tại cơ sở, sau mỗi lần đi thực tế, giảng viên tự xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu, slide, bài giảng để giảng thử và thẩm định.
Phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng tăng sự tương tác giữa giảng viên và học viên, lấy học viên làm trung tâm; chương trình học đi sâu vào giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn nghiệp vụ theo vị trí việc làm và kỹ năng xử lý tình huống (chiếm 80% thời lượng chương trình), kiến thức lý thuyết nghiệp vụ (chiếm 20% thời lượng chương trình).
Vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đề xuất giúp BHXH Việt Nam trở thành Trung tâm đào tạo an sinh xã hội khu vực, đây là cơ hội giúp đội ngũ giảng viên cơ hữu cũng như giảng viên thỉnh giảng của Ngành được tiếp cận các phương pháp tiên tiến, hiện đại trong điều hành và quản lý bồi dưỡng, nhất là phương pháp bồi dưỡng trực tuyến. Đồng thời, tiếp cận việc xây dựng và biên tập bài giảng điện tử để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm việc trong môi trường quốc tế; thiết kế, xây dựng nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo vị trí việc làm và kiến thức kỹ năng chuyên ngành về BHXH, BHYT phù hợp xu hướng phát triển an sinh xã hội quốc tế và trong khu vực.
Tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác bồi dưỡng
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2020, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tiếp tục phát triển các Đề án: “Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu”; “Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCVC ngành BHXH”; “Nâng cao năng lực quản lý và khai thác Cơ sở bồi dưỡng, nghỉ dưỡng của Ngành tại Bình Thuận” và Dự án “Triển khai kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin “Xây dựng bổ sung video bài giảng trực tuyến về kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ Ngành theo thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Năm 2020, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tiếp tục triển khai bồi dưỡng trực tuyến, ảnh minh họa, nguồn Internet
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng; bổ sung thời lượng học trực tuyến, cắt giảm khối lượng kiến thức lý thuyết cơ bản, cụ thể hóa những kiến thức nghiệp vụ bằng tình huống thực tế, tăng thời lượng thực hành kỹ năng và xử lý tình huống, nâng cao năng lực tương tác giữa giảng viên và học viên.
Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tập trung bồi dưỡng gắn liền với giao nhiệm vụ có định hướng đối với những viên chức trẻ có triển vọng. Từ đó, tăng cường đội ngũ trực tiếp làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phấn đấu giảng viên bảo đảm đủ các tiêu chuẩn quy định để tham gia giảng dạy.
Tiếp tục thực hiện rà soát các quy trình, quy chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác liên kết đào tạo để xây dựng các chương trình, tài liệu giảng dạy và tổ chức các lớp học dịch vụ theo nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động./.
PV