Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 tăng nhẹ
10/01/2020 05:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới vừa công bố dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhẹ lên mức 2,5% trong năm 2020 do đầu tư và thương mại dần khôi phục sau một năm ảm đạm đồng thời nhấn mạnh rủi ro suy giảm vẫn tồn tại.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Cũng theo Báo cáo này, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã và đang trải qua giai đoạn nhu cầu trong nước của Trung Quốc tiếp tục nguội, kết hợp với những trở ngại đáng kể từ bên ngoài, bao gồm sức cầu bên ngoài yếu, bất định chính sách thương mại tăng do tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ dẫn đến mức thuế cao hơn. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, kết thúc chu kỳ sản xuất hàng điện tử… cũng tạo sức ép cho chế biến chế tạo và thương mại khu vực.
Tăng trưởng trong khu vực được dự báo sẽ chững lại còn 5,7% vào năm 2020, do tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục giảm còn 5,9%. Diễn biến đó phản ánh trở ngại tiếp tục diễn ra cả trong nước và bên ngoài, bao gồm tác động kéo dài của căng thẳng thương mại, cho dù đã có thỏa thuận giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ. Triển vọng trên còn phụ thuộc vào giả định rằng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không tiếp tục leo thang và thương mại toàn cầu dần ổn định. Một giả định nữa là các cấp có thẩm quyền tại Trung Quốc tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khắc phục tác động tiêu cực do xuất khẩu yếu đi.
Tăng trưởng trong khu vực nếu không tính Trung Quốc được dự báo sẽ khôi phục nhẹ lên 4,9%, do sức cầu trong nước được hưởng lợi nhờ tình hình tài chính nhìn chung thuận lợi, với lạm phát thấp và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đổ vào một số quốc gia, như Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam, kết hợp với các dự án hạ tầng công quy mô lớn được đưa vào sử dụng ở Phi-líp-pin và Thái Lan. Tăng trưởng của khu vực cũng được hưởng lợi nhờ giảm bất định về chính sách thương mại trên toàn cầu và thương mại toàn cầu được hồi phục nhẹ.
Mặc dù hầu hết các quốc gia lớn nhìn chung đều có căn bản tốt về kinh tế với thành tích tăng trưởng kinh tế vững, tăng trưởng năng suất lao động cao, mạng lưới người tiêu dùng lớn, nền kinh tế được đa dạng hóa, khung chính sách lành mạnh và dư địa chính sách dồi dào nhưng khu vực vẫn dễ bị tổn thương với những rủi ro liên quan đến thay đổi đột biến về tình hình tài chính toàn cầu./.
PV (t/h)