Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm

04/01/2020 04:02 PM


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan".

Lễ khai trương CSDL chuyên ngành BHXH và kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Đề án có mục tiêu chung là xây dựng và triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hoàn thiện, mở rộng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm bảo đảm dữ liệu được thu thập, xác minh và quản trị một cách đầy đủ và chính xác để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh thanh toán điện tử (đặc biệt là phương thức thanh toán mà số đông người dân có thể tiếp cận sử dụng) và các điều kiện đảm bảo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu đến hết năm 2020 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 70%; năm 2021 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 85% và 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện có kết quả các chỉ số, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam được nêu tạo Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP của Chính phủ vê cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Rà soát cắt giảm, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực hiện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, đảm bảo tính khả thi, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt mục tiêu cắt giảm 25% số thủ tục hành chính lĩnh vực chính sách BHYT; 25% số thủ tục hành chính lĩnh vực chi trả BHXH; tối thiểu 20% số tiêu thức, thành phần hồ sơ, biểu mẫu so với năm 2018.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm, phục vụ công tác của ngành BHXH, ngành y tế, ngành LĐTB&XH và các ngành liên quan bảo đảm sự đồng bộ với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan, góp phần tạo cơ sở nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Thiết lập các quy chuẩn kỹ thuật về cấu trúc thông điệp dữ liệu tổ chức, công dân trao đổi với hệ thống thông tin quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm và các hệ thống thông tin có kết nối tới CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng và vận hành CSDL điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước và tạo lập CSDL quốc gia về bảo hiểm, bao gồm các dữ liệu về BHYT và y tế; đảm bảo các quy định kỹ thuật và quy định của pháp luật; trên cơ sở đó cung cấp các dịch vụ dữ liệu để kết nối, chia sẻ một cách rộng rãi và chuẩn hóa với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, đảm bảo yêu cầu khai thác dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định.

Nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án cũng xác định rõ 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung triển khai thời gian tới.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, hai thác các CSDL của các bộ, ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và bảo đảm các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, thủ tục hành chính gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành. Thực hiện phương án khai thác các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia để thực hiện dịch vụ công.

Rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện phương thức thanh toán điện tử nhất là thanh toán điện tử và các phương thức thanh toán giúp đông đảo người dân tham gia các dịch vụ về bảo hiểm, y tế, giáo dục,… để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh (nếu có).

Ngành BHXH ngày càng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ

Đẩy mạnh tuyên truyền và các giải pháp vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, thanh toán viện phí, các dịch vụ y tế, giáo dục qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều phương tiện trực tuyến khác nhau như Cổng thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị thông minh; qua hệ thống tin nhắn đa phương tiện...; triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo từng thủ tục hành chính; từng bước thực hiện thanh toán điện tử bắt buộc.

Hoàn thiện Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử trên nền tảng áp dụng phương thức thanh toán điện tử trực tuyến công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa, đa dạng hóa các hình thức thanh toán để phục vụ tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp và chi trả BHXH, BHYT, thanh toán dịch vụ y tế.

Hoàn thiện Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam theo quy định hiện hành; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Triển khai đánh giá và xác định cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng của BHXH Việt Nam theo quy định và tổ chức triển khai việc bảo đảm an toàn thông tin.

Đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Nhóm giải pháp đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm có: xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về BH theo quy định; kết nối, cung cấp, khai thác cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, trong đó ưu tiên kết nối chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, thuế, tài chính, ngân hàng nghiên cứu, ứng dụng thẻ điện tử, tích hợp các thông tin của người dân để dùng chung trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các giải pháp và phân công trong Đề án đối với CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm; tiếp nhận và xử lý các yêu cầu kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu cẩu các cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia do đơn vị quản lý đảm bảo tiếp nhận các kết nối khai thác dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo các quy định, hướng dẫn về kết nối các hệ thống thông tin, CSDL với CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu do các bộ, ngành, địa phương quản lý với CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Cũng tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp về kỹ thuật với BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH phối hợp với BHXH Việt Nam tạo lập, cung cấp, cập nhật, bổ sung, chỉ đạo cập nhật, bổ sung các thông tin liên quan cần thiết cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nghiên cứu áp dụng thẻ điện tử, tích hợp các thông tin của người dân để dùng chung trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội./.

PV