Nông dân góp phần quan trọng trong thực hiện BHXH, BHYT toàn dân
28/12/2019 09:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hội nông dân Việt Nam tham gia xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại”.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, nhân tố con người là yếu tố quyết định, nên nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới, trong mối quan hệ liên kết “6 nhà”.
Theo ông Thào Xuân Sùng, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục dẫn dắt nông dân nghiên cứu, giải quyết các điểm nghẽn để thực hiện được khát vọng mới. Đó là phát triển nông nghiệp “Thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh”. “Nông dân giàu có không chỉ về vật chất mà còn giàu có ở tinh thần”, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia, khẳng định vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội và vai trò chủ thể của nông dân. Đến nay, cả nước đã có 4.665 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp có tiến bộ vượt bậc và phát triển toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng, có nhiều mặt hàng đặc sản. Đời sống người nông dân nói chung được cải thiện, nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, xã hội nông thôn còn bộc lộ nhiều mâu thuẫn diễn biến phức tạp như: Bình đẳng giới, lao động việc làm, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với xã hội nông thôn hiện nay.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, trong bối cảnh mới, nhân tố con người là yếu tố quyết định, nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới trong mối quan hệ liên kết “6 nhà”. “Điều đó đòi hỏi chúng ta - những người dẫn dắt nông dân Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các điểm nghẽn để chủ thể là nông dân thực hiện được khát vọng mới. Đó là phát triển nông nghiệp “Thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh” - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Góp phần quan trọng vào hệ thống an sinh xã hội
Theo cơ cấu dân số thì hiện nay nhóm đối tượng là người nông dân thuộc đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và BHYT chiếm khoảng trên 50% dân số. Với tiềm năng rất lớn cho thấy việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với đối tượng là người nông dân được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, góp phần quan trọng vào hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
BHXH Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT
Đối với BHXH: Người nông dân khi tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH, hoặc thông qua hệ thống đại lý thu. Đối với BHYT: Ủy ban nhân dân xã lập danh sách người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người tham gia BHYT theo hộ gia đình gửi cơ quan BHXH; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đóng tiền tại đại lý thu.
Trong thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp, ký kết Nghị quyết liên tịch; Chương trình phối hợp theo từng giai đoạn để tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong nông dân. Các cấp Hội đã tập trung vào những hoạt động có thế mạnh của hệ thống Hội như tổ chức hoạt động tập huấn, đối thoại, hội thi, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, xây dựng các đại lý thu, xây dựng các mô hình BHYT toàn dân, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng của Hội... Các nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền lợi và trách nhiệm của nông dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; vai trò, tính ưu việt, ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước; phổ biến hình thức, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách…
Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam có 875 đại lý thu với nhân viên gần 3.200 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện qua đại lý thu Hội Nông dân là 10.460 người. Số người tham gia BHYT qua đại lý thu Hội Nông dân là 331.983 người.
BHXH Việt Nam đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương tăng cường phối hợp cơ quan BHXH địa phương thực hiện: Mở rộng mạng lưới đại lý thu đến tất cả các tỉnh, thành phố; Phối hợp cơ quan BHXH tổ chức tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT để họ tích cực, tự giác tham gia.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao các ý kiến, thảo luận của các đại biểu. Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho biết, những đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn làm cơ sở xây dựng các hoạt động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023./.
PV