Không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020
26/12/2019 01:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp cuối năm, đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ kế hoạch điều hành giá trong năm 2020.
Quang cảnh cuộc họp
Đánh giá về công tác điều hành giá năm 2019, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7-2,8%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế (điều chỉnh một bước giá các dịch vụ công nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện theo thị trường).
Qua theo dõi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết đây là mức tăng lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%. Yếu tố lạm phát thấp còn tạo ra giá trị hơn cho mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của năm nay.
Ngoài các yếu tố làm giảm áp lực với lạm phát, lãnh đạo các bộ, ngành nhấn mạnh tới cơ chế điều hành, hoạt động của Ban Chỉ đạo và sự phối hợp của các bộ, ngành tiếp tục được phát huy trong điều hòa cung cầu, minh bạch thông tin và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, triệt tiêu lạm phát kỳ vọng. Bên cạnh đó là sự vào cuộc kịp thời, khách quan của các cơ quan truyền thông, báo chí về cung cầu hàng hóa.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ số lạm phát (CPI) của năm 2019 ước tăng 2,73%. Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hằng năm như nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch,...); giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng do nhu cầu và chi phí đầu vào. Trong nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thịt lợn trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá là giá lương thực giảm; giá dầu, gas, viễn thông, đường giảm,... Bên cạnh đó là nguyên nhân về công tác điều hành, phối hợp các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả; điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt; chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản của Ban Chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù nguồn cung thịt lợn thiếu hụt làm giá thịt lợn tăng nhưng xét về tổng thể, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, tăng tới 760.000 tấn so với năm 2018, góp phần bù đắp sự thiếu hụt này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh lạm phát năm 2019 thấp, nếu Bộ Y tế linh hoạt hơn trong đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ nằm trong khoảng 3,3-3,9%, theo đúng kịch bản mà Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra từ đầu năm 2019.
Hiện nay, để tích hợp chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế phải xác định mức kinh tế-kỹ thuật của 9.000 loại dịch vụ. Vừa qua, Bộ Y tế mới xác định được định mức của 60 dịch vụ phổ biến nên chưa thể ban hành Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2019.
Chia sẻ với tính chất phức tạp của việc xác định định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đang đảm nhận, Phó Thủ tướng gợi ý và nhận được sự đồng tình của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính về việc giao Bộ Y tế ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn việc tích hợp chi phí khám chữa bệnh đối với từng nhóm dịch vụ đã xác định được định mức kỹ thuật để bảo đảm tính kịp thời, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá trong năm 2020.
Ngoài việc căn cứ vào điều chỉnh giá dịch vụ công theo thị trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng điều hành giá năm 2020 cần phải được xem xét dựa trên các khía cạnh xung đột thương mại và địa chính trị trên toàn cầu, việc điều hành linh hoạt tỉ giá và chính sách tiền tệ theo thị trường và phát huy cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương...
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020; điều hoà cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm.
Riêng đối với thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt lợn giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho Tết Canh Tý và cả sau Tết; kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở.
Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu giá điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ./.
PV