Khẳng định ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT trong cuộc sống
03/11/2019 08:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 2/11, tại Nhà hát Lớn (TP.Hải Phòng), Hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT khu vực Đồng bằng Trung du Bắc Bộ năm 2019 đã diễn ra với sự tham gia của 13 đội đến từ BHXH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ.
Tham dự Hội thi có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Lê Khắc Nam; đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo và đông đảo CCVC của BHXH 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Trung du Bắc Bộ.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam và Lãnh đạo TP.Hải Phòng trao cờ lưu niệm cho các đội thi
Hoạt động thiết thực, ý nghĩa
Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, ngành BHXH đang không ngừng đổi mới về nội dung, cải tiến phong phú về hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân và doanh nghiệp. Với tinh thần mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, lãnh đạo Ngành đã quyết định tổ chức Hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT, nhằm tạo điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực để các CCVC có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và tôn vinh những cách làm hay, những tuyên truyền viên xuất sắc...
Hội thi gồm 13 đội thi đến từ 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng trung du Bắc bộ - khu vực có truyền thống văn hoá phong phú, gắn liền với ngàn năm văn hiến của dân tộc, chính vì vậy, Phó Tổng Giám đốc tin tưởng, chắc chắn 13 đội thi sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, phản ánh tinh hoa văn hoá Đồng bằng trung du Bắc bộ, gắn với mục tiêu lan toả tính nhân văn sâu sắc của hai trụ cột an sinh xã hội của quốc gia đến đông đảo cộng đồng. Để quy trình nghiệp vụ, phần cứng, phần mềm, thu, chi khô khan được sân khấu hoá, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, đem lại cảm xúc lắng đọng, khó quên cho khán giả.
“Thông qua những phần thi, chúng ta sẽ cùng nhau khẳng định CCVC ngành BHXH không chỉ giỏi nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân hết mình và giữ vững kỷ cương nề nếp, mà còn hát hay, múa đẹp như những bông hoa trong vườn rực rỡ khoe sắc chào mừng 25 năm ngày thành lập Ngành”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Trao giải Nhất cho BHXH TP.Hải Phòng
Đặc sắc nét văn hóa đồng bằng Bắc bộ
Tại Hội thi 13 đội thi đã mang đến 26 tiết mục qua 02 phần thi: Câu chuyện truyền thông và Văn nghệ cổ động. Nội dung thi được các đội thể hiện hết sức phong phú như trình bày các tiểu phẩm được sân khấu hóa; thông qua các tiết mục ca, múa, kịch, hoạt cảnh đặc biệt là các tiết mục hát chèo, hát văn, tấu hài, quan họ - đặc trưng của văn hoá khu vực Đồng bằng trung du Bắc bộ được cải biên nội dung, ca từ gắn với thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, gắn liền với công tác an sinh xã hội, thể hiện được tình yêu nghề, niềm tự hào của người cán bộ ngành BHXH, mang nhiệm vụ và trọng trách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Bằng sự đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức, được dàn dựng công phu, các đội thi đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đặc sắc, có chất lượng đồng thời mang lại cho khán giả những hiểu biết sâu sắc về chính sách, pháp luật, BHXH, BHYT.
Trao giải Nhì cho BHXH tỉnh Hà Nam, BHXH tỉnh Ninh Bình và BHXH TP.Hà Nội
Lấy bối cảnh nhà vua muốn kèm rể hiển, Đức Vua và Công chúa đã từ chối một anh Sơn Lâm với lễ vật dâng tiến là do phá rừng, giết muông thú; một anh Hải Triều với các loại hải sản quý hiếm dưới biển sâu mà ưng thuận chàng “cán bộ BHXH” xuất hiện với nhãn lồng Hưng Yên, thẻ BHYT, sổ BHXH, mang lại an sinh bền vững cho đất nước.
Qua tiết mục Tam tấu chèo “Vì mục tiêu an sinh xã hội” của đội thi BHXH đến từ cái nôi của nghệ thuật hát chèo Thái Bình thì các quy định cụ thể, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT đều được thể hiện rất sinh động, nhẹ nhàng dưới sự tung hứng của Hề Nhất, Hề Nhị, Hề Tam. Hay như các tiết mục hát văn “25 năm BHXH Việt Nam” của BHXH Nam Định và “Hát về BHXH” của BHXH Ninh Bình đã ca ngợi chính sách BHXH, BHYT, góp phần vào an sinh xã hội và giới thiệu về mảnh đất, con người vùng Đồng bằng Bắc bộ với những vần điệu “Bà con ơi đừng có đắn đo. Tham gia BHXH đừng lo nghĩ gì í a,..” cứ vang mãi trong hội trường cũng như đối với người dân khi được tuyên truyền về BHXH, BHYT bằng những hình thức vừa gần gũi, vừa đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền như vậy.
Các cô gái duyên dáng, thẹn thùng, tay cầm nón quai theo, gieo câu quan họ ngọt ngào về chính sách BHXH, BHYT của đội thi BHXH Bắc Ninh và BHXH Bắc Giang cũng đưa người xem đến những cung bậc khác nhau của cảm xúc.
Rồi câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở qua diễn xuất sinh động đầy lôi cuốn của các cán bộ BHXH Ninh Bình, chính sách BHXH, BHYT đã được thể hiện rõ nét, mang lại tiếng cười cho độc giả với thông điệp đầy ý nghĩa “ngày nay phải có thẻ BHYT mới an lành”.
Trao giải Ba cho các đội thi
Khẳng định ý nghĩa của BHXH, BHYT trong cuộc sống
Tiết mục dự thi của các đội thi đã được thể hiện đa dạng, đúng với tinh thần hội thi, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, các thành tựu nổi bật của Ngành BHXH, quá trình cải cách thủ tục hành chính cũng được thể hiện đậm nét.
"Góc chợ ngày mưa" được Mai Lan - tác giả cũng là diễn viên của tiểu phẩm thực hiện chân thật cùng với các cán bộ Phòng Chế độ BHXH Hải Phòng đã nêu bật nội dung tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình và công tác cải cách thủ tục hành chính của cơ quan BHXH. Sự tung hứng lôi cuốn bởi những lời thoại và cách diễn vui vẻ, hóm hỉnh đã tạo lên những ấn tượng khó quên, những tiếng reo hò và tràng pháo tay không ngớt của khán giả.
Tiểu phẩm “Tình người” của BHXH tỉnh Hà Nam kể về một cô công nhân bị tai nạn lao động mất đi đứa con của mình. May thay, bên cạnh cô vẫn còn người chồng hết mực yêu thương, còn các anh chị em ở công ty quan tâm thăm hỏi. Quan trọng hơn, công ty đã tham gia đầy đủ BHXH, BHYT... nên tiền viện phí được BHYT chi trả... Qua đó, giúp mọi người cảm nhận được sự ấm áp của tình người và sự quan trọng của chế độ BHXH, BHYT trong đời sống.
Trao các giải phụ của hội thi
Ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng được thể hiện đặc sắc qua các tiểu phẩm dự thi như "Nghĩa tình, thuỷ chung" của BHXH tỉnh Hải Dương; “Niềm hạnh phúc bất ngờ” của BHXH Nam Định; “Chuyện nhà ông Muốn” của BHXH Bắc Ninh; “Nghĩa – tình thủy chung” của BHXH Hải Dương; “Chuyện nhà bà Nụ” của BHXH Vĩnh Phúc; “Tôi đã hiểu” của BHXH Phú Thọ; “Chuyện nhà Mộc” của BHXH Quảng Ninh; “Thắp sáng niềm tin” của BHXH Hà Nội…
Đặc biệt, tiết mục múa “Mười cô gái Lam Hạ” của BHXH tỉnh Hà Nam ca ngợi sự hy sinh của mười cô gái Lam Hạ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những cô gái đã ngã xuống, bỏ lại thanh xuân của mình để đất nước được hòa bình…
Tiết mục “Đến hội Trống quân” của BHXH tỉnh Hưng Yên; Liên khúc hát múa của BHXH Vĩnh Phúc; Hát múa “Cánh chim đất tổ” của BHXH Phú Thọ; “Nụ cười Hạ Long” của BHXH Quảng Ninh; “Hát về BHXH Việt Nam”, “Bay lên Việt Nam huyền thoại” của BHXH Hà Nội,… với từng khúc hát, lời ca thể hiện niềm tự hào là người Việt Nam, lòng biết ơn Đảng, ơn Bác và niềm tự hào là cán bộ BHXH…. Góp phần khẳng định ngành BHXH qua 25 năm xây dựng và phát triển, sẽ viết tiếp truyền thống, xây dựng tương lai, góp phần đảm bảo an sinh bền vững.
Kết thúc Hội thi, giải Nhất được trao cho BHXH TP.Hải Phòng; 3 giải Nhì thuộc về BHXH tỉnh Hà Nam, BHXH tỉnh Ninh Bình và BHXH TP.Hà Nội; 9 giải Ba thuộc về BHXH các tỉnh còn lại. Bên cạnh đó, giải Văn nghệ cổ động hay nhất được trao cho BHXH TP.Hà Nội; giải tiết mục văn nghệ cổ động về ngành BHXH hay nhất được trao cho BHXH tỉnh Nam Định và giải tiết mục văn nghệ cổ động ấn tượng nhất được trao cho BHXH tỉnh Hà Nam.
Một số hình ảnh tại hội thi:
ĐH