Tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động cho địa phương
25/10/2019 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nguồn ảnh: Quochoi.vn
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ. Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.
Về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy. Do đó, việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và trên cơ sở chỉnh lý dự thảo Luật do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại khoản 1 Điều 4; Điều 44 và Điều 58 về chính quyền địa phương ở quận và phường; khoản 2 Điều 72 về chính quyền địa phương ở hải đảo và Điều 75 về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và sẽ tạo độ linh hoạt, mềm dẻo trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các loại đơn vị hành chính, tránh tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương. Quy định như dự thảo Luật vừa nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết số 18-NQ/TW, vừa tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp ở những nơi có đủ điều kiện.
Toàn cảnh Phiên họp, nguồn ảnh: Quochoi.vn
Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 03 Văn phòng.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, dự thảo Luật do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 để bắt đầu triển khai từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ (2021 – 2026).
Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề như: Việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm.
Tại phần thảo luận, đa số các đại biểu đều tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời đã đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo./.
PV