Thí điểm BHXH ngoài quốc doanh ở TP.Hồ Chí Minh
08/10/2019 08:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cùng với Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước, đầu năm 1990, theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 12/01/1990, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-UB về việc thành lập Công ty BHXH TP.Hồ Chí Minh để thực hiện thí điểm chế độ BHXH (gồm 02 chế độ hưu trí và tử tuất) cho người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy làm BHXH ngoài quốc doanh, đồng chí Trịnh Thu Nga, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được điều động sang làm Giám đốc Công ty BHXH. Đồng chí Cao Văn Sang, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp được điều động sang làm Phó Giám đốc (sau này là Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh, hiện đã nghỉ hưu).
Việc hình thành Công ty BHXH để thí điểm thực hiện một chính sách mới, hướng đến một đối tượng mới trong thời điểm đó đã đặt ra nhiều khó khăn, trở ngại. Trước hết, đây là một nhiệm vụ quá mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa có những hoạt động tương tự để học hỏi, kế thừa. Quy trình nghiệp vụ, hệ thống biểu mẫu, cách quản lý, phương thức vận động triển khai… đều phải tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần trong quá trình hoạt động. Người lao động cũng chưa tin tưởng vào hiệu quả thực hiện chính sách. Trong sâu thẳm tiềm thức của họ, chỉ có công nhân viên chức nhà nước mới được hưởng chế độ hưu trí. Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm BHXH cho người lao động ở khu vực ngoài quốc doanh diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn TP.HCM lúc bấy giờ có nhiều biến động phức tạp: tình hình phá sản của một số quỹ tín dụng trước đó; nền kinh tế sau thời kỳ bao cấp đầy rẫy khó khăn, tốc độ lạm phát tăng cao. Cùng với đó là việc Quỹ BHXH của người lao động thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp và Hợp tác xã mua bán ở thành phố phải ngừng hoạt động sau gần 07 năm hoạt động càng gây thêm sự thiếu tin tưởng trong công luận và người lao động. Chủ sử dụng lao động ngoài quốc doanh cũng không ủng hộ việc thực hiện chính sách mới bởi lo ngại phải giảm lợi nhuận, tăng chi phí nộp BHXH cho người lao động. Chính sách thí điểm, điều lệ do chính quyền địa phương ban hành nên tính pháp lý không cao. Các vi phạm không thể xử lý. Nhiều chủ doanh nghiệp có ý kiến thực hiện thí điểm BHXH là bất bình đẳng cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố so với doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận để né tránh thực hiện. Mặt khác, các cơ chế tài chính lúc bấy giờ cũng chưa cho phép đầu tư để bảo toàn, tăng trưởng và cân đối quỹ. Yêu cầu quản lý hết sức chặt chẽ, nhiều nghiệp vụ phát sinh để quản lý quá trình nộp BHXH của từng người lao động trong khi trang thiết bị hết sức thiếu thốn; cơ sở vật chất ban đầu hầu như chẳng có gì ngoài mấy bộ bàn ghế cũ. Những khó khăn, trở ngại ấy thực sự là thách thức đối với Công ty BHXH ngoài quốc doanh còn non trẻ. Khả năng thất bại như nhìn thấy trước đã đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm thí điểm phải hết sức nỗ lực, quyết tâm tìm kiếm nhiều giải pháp sáng tạo để tồn tại và phát triển.
Ngay sau khi thành lập, tháng 02/1990, Công ty BHXH TP.HCM đã bắt tay vào công việc. Trên cơ sở dự thảo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Công văn số 2251/VP-LT ngày 29/11/1989, ngày 14/04/1990, UBND TP. ban hành Quyết định số 117/QĐ-UB về việc ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm tuổi già đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Điểm đáng chú ý của bản Điều lệ này là quy định chỉ giải quyết trợ cấp một lần khi xuất cảnh, hoặc người lao động hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tất cả các trường hợp còn lại đều phải thực hiện bảo lưu để hướng tới mục tiêu tăng số người được bảo đảm cuộc sống bằng chế độ hưu trí khi đã hết tuổi lao động. Do nền kinh tế của nước ta vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp và làm phát với tốc độ quá cao nên tư duy tem phiếu và lấy gạo làm chuẩn đo giá trị hàng hóa vẫn còn nặng nề. Đặc điểm này cũng thể hiện rõ trong Điều lệ BHXH thời gian này khi đưa ra quy định đảm bảo giá trị tiền nộp BHXH thông qua giá gạo. Đồng thời tính lãi suất bằng 1%/tháng. Thực chất đây là phương pháp BHXH theo hình thức “Tài khoản cá nhân”. Nó khác biệt với phương thức truyền thống đang áp dụng trong khu vực nhà nước nên đã gặp phải những luồng ý kiến phản đối hết sức gay gắt.
Cũng tại Điều lệ BHXH này, đã xây dựng được công thức tính mức tích lũy vốn, mức trợ cấp hàng tháng khi người lao động nghỉ hưu một cách công khai, minh bạch để tăng sức thuyết phục, phù hợp với nguyên tắc tài khoản cá nhân.
Để tổ chức thực hiện Điều lệ, ngày 19/04/1990, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. đã ban hành Văn bản số 156/HD hướng dẫn việc thi hành “Điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm tuổi già đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn TP.HCM. Trên cơ sở đó, ngày 29/6/1990, Liên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Giao thông Vận tải Thành phố ban hành Văn bản liên tịch số 283/LS-BHXH hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tuổi già đối với người lao động thuộc các Công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp và cá thể thuộc Ngành Giao thông vận tải thành phố. Cũng ngay từ những ngày đầu triển khai này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công ty BHXH Ngoài quốc doanh TP. đã đặt ra vấn đề thu BHXH của người lao động làm việc trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM. Công ty BHXH thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về trách nhiệm thực hiện chính sách mới để tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành và UBND các quận, huyện. Một thành công nữa của giai đoạn thí điểm là Công ty BHXH được giao nhiệm vụ quản lý chi trả lương hưu đối với cán bộ, công chức nhà nước. Điều này thể hiện dư luận và chính quyền các cấp từ chỗ nghi ngờ sự tồn tại của BHXH ngoài quốc doanh đã dần chuyển sang sự tin tưởng. Chính nhiệm vụ này đã giúp Công ty BHXH ngoài quốc doanh non trẻ tạo lập được mối quan hệ gắn bó, phối hợp chặt chẽ với các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện và UBND các xã, phường… góp phần triển khai có hiệu quả công tác thu BHXH ngoài quốc doanh. Nhờ có mối quan hệ chặt chẽ này nên dù khi đó Công ty BHXH ngoài quốc doanh không có chi nhánh ở cấp quận, huyện nhưng vẫn triển khai sâu rộng chính sách mới thông qua cộng tác viên là cán bộ tại các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Rất nhiều cán bộ trong số đó sau này đã trở thành lực lượng chủ lực của BHXH quận, huyện khi Ngành BHXH chính thức được thành lập từ năm 1995./.
ThS. Dương Ngọc Ánh