Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có chiều hướng giảm
04/10/2019 04:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 04/10, Ủy ban về các vấn đề Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, Đại diện Bộ Y tế cho biết, các chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đã được xây dựng, ban hành và bổ sung, sửa đổi kịp thời, bám sát nội dung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các văn bản pháp luật có liên quan. Hiện nay, mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá đã được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay có 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị, xã hội và 63/63 tỉnh thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá.
Kết quả, năm 2018 đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn… Tỷ lệ người phơi nhiễm khói thuốc giảm tại nơi làm việc giảm hơn 13%, tại trường đại học cao đẳng giảm hơn 16%, trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15%. Theo điều tra toàn quốc về tình hình sử dụng thuốc lá năm 2015, tỷ lệ người hút thuốc lá được nhân viên tư vấn bỏ thuốc tăng 10,08%.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đánh giá cao việc Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc quy định của Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy ban cho rằng nội dung báo cáo đã phản ánh đầy đủ kết quả hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ; hạn chế, tồn tại, giải pháp đưa ra để khắc phục những vướng mắc. Sau hơn 6 năm thành lập, Quỹ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng thấy rằng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động và việc quản lý Quỹ, cụ thể: quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, bệnh viện, trường học, địa điểm công cộng vẫn còn chưa thực hiện tốt, vi phạm xảy ra còn phổ biến; các tỉnh thành đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng vai trò còn hình thức, chưa gắn với hiệu quả thực tiễn; mục tiêu kế hoạch hàng năm, kế hoạch 02 năm không thay đổi qua các giai đoạn, không có mục tiêu đích của từng thời kỳ; chất lượng và hiệu quả làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ còn chưa cao.
Trên cơ sở thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các kiến nghị của Ủy ban tại báo cáo số 857/BC-UBVCVDXH14 ngày 20/10/2017; có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ; khắc phục việc chậm phê duyệt kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tác hại của thuốc lá theo giai đoạn 02 năm.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu để đưa ra mục tiêu kế hoạch phù hợp với tùng giai đoạn cụ thể của các nhiệm vụ phòng chống tác hại của thuốc lá; các hoạt động tuyên truyền cần phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng cụ thể; đánh giá thực tiễn 06 năm hoạt động để có các hình thức, phương pháp thực hiện phù hợp, đồng bộ./.
PV