TP. Hồ Chí Minh: Từ sau năm 2021 áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm
29/07/2019 04:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trên địa bàn Thành phố.
Cán bộ BHXH TP. Hồ Chí Minh trong giờ làm việc. Ảnh minh họa
Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở ở khu vực công; thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động đối với khu vực doanh nghiệp. Từ sau năm 2021, sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất trong khu vực công.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức (khu vực công), áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành do Chính phủ quy định, gồm: 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp xã và 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; không thực hiện mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay mà thay vào đó là áp dụng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới; áp dụng các chế độ phụ cấp theo quy định, trong đó, bãi bỏ một số phụ cấp; thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ.
Đối với người lao động trong doanh nghiệp, triển khai quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến ba bên (đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động và nhà nước) ở cấp địa phương để đánh giá và đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...); tăng cường vai trò, hoạt động của cơ chế ba bên (đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động và nhà nước) trong hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, xác định tiền lương phù hợp với công việc và mức trả công trên thị trường lao động.
Kế hoạch yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, cấp bậc hàm sĩ quan. Đồng thời, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm và tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ làm cơ sở thực hiện. Trong các doanh nghiệp phải thúc đẩy cơ chế thỏa thuận về tiền lương, theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên./.
PV