Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
20/07/2019 08:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 18/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" họp phiên thứ nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Đoàn giám sát, cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2019/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Giám sát được thực hiện với mục tiêu xem xét, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng hết sức đặc biệt, Hiến pháp quy định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ trẻ em. Do đó việc phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ đặt ra thường xuyên. Trước yêu câu thực tiễn đề ra và để đánh giá việc thực hiện công tác này thời gian qua như thế nào, Quốc hội quyết định giám sát tối cao về vấn đề này với yêu cầu giám sát toàn diện, đầy đủ, trung thực, khách quan, bảo đảm thực hiện đúng thời gian, tiến độ.
Tại phiên họp các đại biểu đã nghe công bố các Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát, Nghị quyết về danh sách ủy viên Đoàn giám sát, thảo luận về kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo giám sát. Theo đó, các đại biểu cho ý kiến về phạm vi giám sát, việc tổ chức bố trí các đoàn công tác đi giám sát, thành phần đoàn, dự kiến địa điểm đến giám sát; đối tượng cơ quan chịu sự giám sát; chủ thể chịu sự giám sát; xem xét có nên tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các nội dung liên quan cũng như tổ chức giải trình.
Đoàn giám sát cũng nhất trí với việc tổ chức 3 đoàn công tác, giám sát tại 17 tỉnh, thành phố và có thể khảo sát thực tế tại một số địa bàn có vụ việc nổi cộm. Đoàn giám sát cũng yêu cầu chậm nhất là ngày 30/8 các cơ quan, địa phương gửi báo cáo.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, giám sát lần này với mục tiêu yêu cầu lớn nhưng thời gian hạn hẹp, điều kiện bảo đảm nguồn lực, con người không hoàn toàn thuận lợi, đòi hỏi thực hiện trách nhiệm khoa học, quyết liệt, huy động lực lượng của các cơ quan đơn vị liên quan tham gia phối hợp để bảo đảm chất lượng giám sát; đề nghị Hội bảo vệ quyền trẻ em, các tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thêm thông tin cho Đoàn giám sát về các vụ việc cụ thể. Phương pháp giám sát cần thực hiện linh hoạt, khoa học, bảo đảm yêu cầu mục tiêu giám sát; đồng thời, hoạt động giám sát lần này cần được tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng khắp đến cử tri, nhân dân./.
PV