Quản trị tốt nhằm cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn
17/07/2019 06:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/7, tại TP.Hồ Chí Minh, BHXH Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) nhiệm kỳ 2018 - 2019, tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản trị tốt nhằm cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn”.
Tham dự hội thảo có: Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam; ông Nguyễn Việt Dũng, Vụ trưởng, Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020; đại diện Hiệp An sinh xã hội quốc tế (ISSA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB) và đại diện các tổ chức thành viên ASSA…
Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo.
Nhu cầu cấp thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, quản trị tốt là một mục tiêu quan trọng và cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đối với các tổ chức an sinh xã hội ở tất cả các quốc gia nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế, quản trị tốt sẽ đóng vai trò trung tâm, có ý nghĩa quyết định trong việc cung cấp dịch vụ an sinh xã hội hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, trên cương vị Chủ tịch ASSA, BHXH Việt Nam mong muốn đưa những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về quản trị tốt hệ thống an sinh xã hội với những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi là: “Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính nhất quán và có sự tham gia của các giai tầng khác nhau trong xã hội” đến gần hơn với các tổ chức an sinh xã hội khu vực. Qua đó, hướng tới một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, toàn diện, bền vững, tin cậy, minh bạch, đảm bảo tiếp cận cho mọi người dân thông qua quản trị tốt, hợp tác tốt; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, thúc đẩy kết nối, đổi mới sáng tạo, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới theo Tuyên bố chung ASSA đã ký tại Hội nghị ASSA 35 tại Việt Nam năm 2018.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.
“Hội thảo lần này thể hiện sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng an sinh xã hội thế giới và các đối tác phát triển hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, điều hành hệ thống an sinh xã hội cho ASSA nói chung và từng thành viên ASSA nói riêng với những cách tiếp cận mới, phương thức quản trị phù hợp, thích ứng với bối cảnh và điều kiện của Cách mạng công nghiệp 4.0” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020, cũng nhận định, hiện nay, hệ thống an sinh xã hội ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những thách thức do tác động lan tỏa từ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực. Để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội đòi hỏi Hiệp hội An sinh ASEAN (ASSA) cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ của các tổ chức thành viên; đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.
Hướng tới sự hài lòng của người tham gia
Tại hội nghị các đại biểu, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế và một số quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong công tác quản trị, cách thức quản trị tốt để mang lại dịch vụ tốt hơn.
Các chuyên gia thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo
Bà Ortiz D.Maribel - chuyên gia Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) chia sẻ: Quản trị là cách thức mà cơ quan có thẩm quyền được thực thi để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu của mình. Trong quản trị có các nguyên tắc cần đảm bảo, thực thi là: Minh bạch, có trách nhiệm, dự báo, liên kết giữa các bên liên quan và năng động. Đó là những yếu tố mà hội đồng quản lý của các tổ chức an sinh xã hội cần có để nâng cao hiệu quả quản trị, tạo ra những thay đổi tích cực, hiệu quả và công bằng hơn; đặc biệt là nâng tầm uy tín của tổ chức thành một đối tác tin cậy của khách hàng. Điều này rất quan trọng bởi trong thực thi các chính sách an sinh xã hội thì niềm tin của người dân mang yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Tuy nhiên niềm tin đó, không thể xây dựng, có được bằng lời nói mà phải chứng minh bằng hiệu suất, hiệu quả trong quản lý.
“Do đó, các tổ chức an sinh xã hội cần thiết lập các mục tiêu, tiêu chuẩn và điểm chuẩn để đánh giá hiệu suất của mình. Trong đó, cần có cơ chế để thúc đẩy văn hoá chủ động nâng cao kiến thức, trách nhiệm của mọi người trong tổ chức. Tất cả nhân viên không kể cấp bậc đều cố gắng cống hiến nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của tổ chức…” - bà Ortiz D.Maribel gợi mở.
Chung quan điểm, ông Philip O’Keefe - Chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng: Hiệu suất quản trị có thể đánh giá qua mức độ hài lòng của khách hàng. Và để có được sự lòng của khách hàng, nhà quản lý cần năng động, hữu hình (thực thi chứ không phải là những cam kết, hứa hẹn) và cần tích cực tương tác với khách hàng. Qua điều tra đối với 6.000 nhà quản lý cho thấy trong các yếu tố quyết định thành công quá trình thay đổi, nâng cao hiệu suất thì việc nhà quản lý biết tương tác với khách hàng được nhắc tới nhiều hơn 3 lần so với các yếu tố khác - chứng minh đây là điều rất quan trọng. Tuy nhiên để tương tác với khách hàng, nhà quản lý không thể một mình làm được nhất là với các tổ chức an sinh xã hội, đối tượng hướng tới là rất rộng lớn nên việc tương tác với nhân viên để truyền tải sự tương tác này trong hệ thống đến khách hàng là yếu tố then chốt. Nhà quản lý cần xác định điểm khác biệt giữa nhu cầu của khách và cấu trúc tổ chức, cũng như kỹ năng nhân viên của mình, qua đó có những điều chỉnh, thay đổi đáp ứng nhu cầu của khách hàng để mang đến sự hài lòng.
Ông Philip O’Keefe cũng đề cập đến yếu tố công nghệ, khi các dịch vụ được cung cấp trực tuyến, cộng đồng trở nên gắn kết hơn và nhu cầu có nhiều kênh để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội trực tuyến hay qua các dịch vụ khác cũng ngày càng tăng. Do đó, khi công nghệ thay đổi cũng đòi hỏi các tổ chức an sinh xã hội phải thay đổi, nâng cao kỹ năng để tiếp cận và phục vụ khách hàng.
Ông Azirruan Bin Arifin thuộc tổ chức An sinh xã hội Malaysia (SOCSO), từng có thâm niên 20 năm trong ngành ngân hàng nên theo diễn giả, nếu so sánh, đối chiếu quản trị doanh nghiệp với quản trị an sinh xã hội có một số điểm tương đồng. Do đó, việc xây dựng văn hoá của tổ chức là quan trọng nhất; trong đó vấn đề quyết định là yếu tố con người.
Tại hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm của Ngành BHXH thời gian qua trong nâng cao năng lực quản trị. Với việc tập trung hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Nếu như những năm trước đây, các trụ sở ngành BHXH tràn ngập hồ sơ, giấy tờ thì đến nay toàn hệ thống đã được số hóa giúp các quy trình nghiệp vụ được rút ngắn. Khi chưa được số hóa, BHXH địa phương khi cần sao lục hồ sơ có thể mất vài tuần nhưng nay có thể tra cứu chỉ với vài giây thao tác. Hồ sơ số hoá được “gắn” vào từng nghiệp vụ trong quản lý cũng giúp quá trình giải quyết chế độ được nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí cho người tham gia BHXH, BHYT.
Tạo ra bản sắc riêng dựa trên những nguyên tắc chung
Tại hội nghị, trả lời một số câu hỏi về hội nhập, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong quản trị an sinh xã hội, theo các chuyên gia cần phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Bà Ortiz D.Maribel- đại diện Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế cho rằng, ở các nước, cấu trúc về an sinh xã hội có thể khác nhau. Như Maylaisia là nước có nhiều cơ quan về an sinh xã hội trong khi Việt Nam chỉ có một cơ quan duy nhất là BHXH Việt Nam theo cấu trúc ngành dọc. Song một tổ chức hay nhiều tổ chức thì đều chung một mục đích vì vậy có thể học hỏi kinh nghiệm giữa các quốc gia. Tuy nhiên, văn hóa của một tổ chức phụ thuộc vào văn hóa của quốc gia đó. Do đó không nên áp dụng nguyên bản mô hình của một tổ chức nào mà cần có sự chọn lọc và tạo ra bản sắc riêng dựa trên những nguyên tắc chung về quản trị là rõ ràng, minh bạch, trách nhiệm…
Toàn cảnh hội thảo
Trong khi đó, ông Philip O’keefe - chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), lại nhắc đến những bài học từ thất bại. Vị chuyên gia cho biết, hằng năm trên toàn thế giới đều ghi nhận rất nhiều sự thất bại của các doanh nghiệp, tổ chức; thậm chí xẩy ra ở cả những công ty, tổ chức lớn. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã có cách thức để nhân viên thực hiện và ứng phó với thất bại làm động lực để tạo ra thành công. Trong thực hiện chính sách an sinh xã hội những ví dụ về thất bại của các quốc gia cũng đáng để các tổ chức nghiên cứu, rút ra những kinh nghiệm và bài học riêng cho mình.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận về các chủ đề khác như: Quản trị tốt nhằm cung cấp các dịch vụ An sinh xã hội tốt hơn; Tác động của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với quản trị tốt: Cơ hội và thách thức; Ứng dụng CNTT trong thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cơ sở dữ liệu quốc gia; Hệ thống của Nhật bản trong quản lý giá thuốc; Quản lý giá thuốc trong đàm phán; Giải pháp quản lý thuốc thông qua đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc…
Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá, sự tham gia tích cực và những trao đổi đầy trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đã mang lại rất nhiều lợi ích. Những kiến nghị, gợi mở của các chuyên gia sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và chuẩn hóa hoạt động cung ứng dịch vụ an sinh xã hội cho người dân ở các quốc gia thành viên ASSA.
Sau hội thảo, hàng loạt các sự kiện sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy nhận thức, thay đổi phương thức và phương pháp quản trị trong và ngoài khu vực hướng đến chiến lược tất cả vì sự hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp. BHXH Việt Nam cũng như các tổ chức an sinh xã hội khác trong khu vực đã và đang từng bước triển khai nội dung này một cách tích cực tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng rằng hệ thống an sinh xã hội ASEAN sẽ trở thành các mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới trong một tương lai không xa./.
Phạm Chính