Bảo đảm chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới
13/07/2019 02:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới”. Tham dự hội thảo có hơn 70 đại biểu là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân một số tỉnh phía Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay; những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự quan tâm và vận động sự ủng hộ của các đại biểu về tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người được Quốc hội thông qua năm 2006. Sau gần 12 năm thi hành, Luật đã có 46 văn bản hướng dẫn được ban hành đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Về cơ bản, chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống ma túy; quy định về bảo mật thông tin liên quan đến người nhiễm HIV chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định về quyền của người bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ của người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS chưa bảo đảm tính khả thi; nội dung các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nhưng chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai…
Việc khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên bằng cách kế thừa, chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết. Việc này nhằm thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) và tiến tới đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sẽ trình Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ X.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay; những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự quan tâm và vận động sự ủng hộ của các đại biểu về tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới./.
PV