Đề nghị các địa phương bố trí ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật
24/06/2019 04:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện BHYT với người cao tuổi (NCT), người khuyết tật (NKT).
BHYT: Điểm tựa về sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh minh hoạ, nguồn internet
Thực hiện chính sách phát triển BHYT đối với NCT, NKT, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho các đối tượng khó khăn, yếu thế theo các quy định hiện hành, trong đó có liên quan đến chính sách BHYT đối với các nhóm đối tượng này.
Đến nay, trong tổng số 11,3 triệu NCT, 6,2 triệu NKT, ước tính có trên 95% NCT, NKT tật được cấp thẻ BHYT (trong đó có 1,6 triệu người NCT, trên 1 triệu NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT miễn phí). Một số địa phương đã đạt tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT 100% NCT. Theo ước tính còn khoảng 5% NCT, NKT chưa có thẻ BHYT (tương đương khoảng 570 ngàn NCT và 310 ngàn NKT) cần có chính sách đặc thù của Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chủ trương bao phủ BHYT toàn dân, trong đó có NCT, NKT là chủ trương lớn, quan trọng và hợp lòng dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện; quy định về KCB ban đầu cho NCT, NKT trong Luật NCT, Luật NKT ở tuyến cơ sở chưa thực hiện được hết cho các đối tượng; nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa tổ chức được khoa lão khoa, tỷ lệ NCT, NKT đến khám chữa bệnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ tại y tế tuyến cơ sở còn rất thấp; trạm y tế là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho NCT nhưng tỷ lệ đối tượng có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến này còn thấp. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nguồn kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa, trình độ chuyên môn còn hạn chế.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho NCT, NKT với mức 700.000 đồng/người/năm, kinh phí dự kiến khoảng 600 tỉ đồng/năm. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh ưu tiên giải quyết vấn đề này và bố trí ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho NCT, NKT./.
PV